Văn khấn tết Thanh minh 2024 trong nhà và ngoài mộ

Tết Thanh minh là dịp để người Việt tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân và nêu cao tinh thần đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'.

Tết Thanh minh (hay còn gọi là Tiết Thanh minh) là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Năm nay, tết Thanh minh rơi vào ngày 4/4 Dương lịch, tức 26/2 Âm lịch.

Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa, ghép lại thành từ mang nghĩa trời mát mẻ, quang đãng. Do đó, đây là thời điểm tốt để những người con xa quê sắp xếp về tảo mộ tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính và sự hiếu thuận của mình.

Trong dịp này, người Việt thường chuẩn bị mâm cúng tại nhà và ngoài mộ. Tùy từng gia đình, lễ cúng tết Thanh minh có thể là lễ chay hoặc lễ mặn, song nhất định không thể thiếu hai bài văn khấn cổ truyền tương ứng với hai không gian cúng khác nhau.

Văn khấn tết Thanh minh ngoài mộ

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy các ngài thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.

Hôm nay là ngày...

Tín chủ chúng con là: (tên người khấn).

Ngụ tại: (địa chỉ của nhà tín chủ).

Nhân tết Thanh minh, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước án, kính mời chư vị tôn thần lai lâm chiếu giám.

Gia đình chúng con có ngôi mộ của: (cha, ông hay cụ tam đại, tứ đại theo vai của người dưới mộ so với tín chủ), táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp.

Vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng thần linh, thổ công, thổ phủ, long mạch, tiền chu tước, hậu huyền vũ, tả thanh long, hữu bạch hổ và chư vị tôn thần cai quản trong khu vực này.

Chúng con kính mời các vị chư thần về đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát.

Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con toàn gia mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thái bình.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Tết Thanh minh là dịp để con cháu tỏ lòng thành kính tới các bậc tiền nhân. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

Văn khấn tết Thanh minh tại nhà

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con lạy gia tiên tiền tổ, họ hàng nội ngoại hai bên gia tộc họ…

Con lạy bà tổ cô ông mãnh, ông bà, cô bé Đỏ, cậu bé Đỏ tại gia

Hôm nay là ngày... tháng... năm...

Nay con giữ việc phụng thờ tên là..., tuổi…, sinh tại xã..., huyện..., tỉnh... cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.

Kính mời Thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.

Kính dâng lễ bạc: Trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật lòng thành nhân dịp tiết Thanh minh, kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.

Con thành tâm thành kính cúi xin gia tiên tiền tổ, bà tổ cô ông mãnh, ông bà… phù hộ độ trì, đề tâm xếp nếp, vuốt ve che chở cho đại gia đình con bình an, thịnh vượng, ba tháng mùa hè chín tháng mùa đông đều mát mẻ, tốt tươi. Điều lành mang lại, điều dữ mang đi cho công việc của gia đình con đều thuận buồm xuôi gió, gặp nhiều may mắn.

Chúng con kính dâng lễ bạc tâm thành, cúi xin gia tiên chứng minh chứng giám cho lòng thành của toàn thể gia quyến.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

* Thông tin trên được tham khảo từ bài văn khấn Âm phần long mạch theo sách Văn khấn cổ truyền của Đại đức Thích Thanh Tâm, NXB Thời Đại.

Mai Vũ (tổng hợp)

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/van-khan-tet-thanh-minh-2024-trong-nha-va-ngoai-mo-post1468324.html