Văn hóa tiết kiệm

Miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng cao điểm. Nhiều địa phương, doanh nghiệp buộc phải cắt điện luân phiên để tiết giảm lượng tiêu thụ. Hơn lúc nào, việc tiết kiệm nói chung, tiết kiệm điện nói riêng cần thiết đặt ra và có lẽ nên nâng tầm thành văn hóa, thói quen hằng ngày.

Mới vào đầu hè nhưng theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa hè năm nay sẽ nóng nhiều hơn và cường độ cũng gay gắt hơn so với năm 2022 và nhiều năm khác. Nhiệt độ trung bình tăng 0,5 đến 1 độ C. Dự báo, hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024.

Trong khi đó, lượng nước ở hầu hết các nhà máy thủy điện tại miền Bắc, miền Trung đều rất thấp. Tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Nắng nóng, khô hạn, hồ cạn đã buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải triển khai một số giải pháp nhằm tiết giảm lượng tiêu thụ điện bằng việc cắt điện luân phiên. Bắc Giang cũng không ngoại lệ, ban ngày ưu tiên điện cho sản xuất, ban đêm ưu tiên điện cho sinh hoạt.

Đang có điện “tiêu” rủng rỉnh, giờ buộc phải “thắt lưng buộc bụng” khiến không ít người cảm thấy khó chịu, thậm chí bức xúc. Ra ngoài phố, thay vì điện sáng trưng như trước, giờ phải tận dụng ánh sáng của nhà dân, các cửa hàng cửa hiệu. Công viên, khu vui chơi giải trí, biển quảng cáo… đều thực hiện tắt điện, ưu tiên số 1 cho điện sản xuất và sinh hoạt tối thiểu.

Trong cái khó chung, mỗi người chung tay một chút, tiết kiệm một chút, cũng “góp gió thành bão”, cùng Nhà nước dần giải quyết bài toán thiếu điện. Đơn cử như việc bật điều hòa ở cơ quan, công sở. Thay vì bật từ lúc đến tới lúc về, nếu mỗi người bật muộn hơn và sớm hơn, trước lúc về một tiếng là cũng tiết kiệm được ít nhiều. Thay vì bật nhiệt độ ở mức 22, 23 độ C, bật 27 độ và cho quạt mát lúc đầu, cũng tiết kiệm.

Hay thay vì tầng nọ lên tầng kia, hạn chế đi thang máy, đi thang bộ, vừa dẻo dai vừa tiết kiệm. Thay vì bật 3, 4 bóng đèn, tất cả các phòng, có thể dùng ánh sáng tự nhiên, cũng đỡ phần nào.

Ở gia đình, nếu buổi tối cả nhà quây quần, sử dụng chung một phòng, một bóng đèn, một điều hòa, thay cho ai về phòng đấy, là tiết giảm nhiều. Thay vì chất đầy tủ lạnh, bật đủ công suất các thiết bị nấu bếp, hoàn toàn có thể sắp xếp cho tủ lạnh gọn gàng, thiết bị chỉ dùng khi cần thiết…

Từ việc thiếu điện, buộc phải cắt giảm luân phiên, mỗi cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân tạo thành thói quen tiết kiệm điện hằng ngày thì phụ tải điện sẽ bớt căng thẳng, giảm số giờ phải cắt điện và sớm vượt qua cảnh thiếu điện. Và như thế, không chỉ cùng Nhà nước chung tay tiết kiệm điện mà bản thân mỗi người, mỗi nhà đã tiết kiệm tiền của cho chính mình.

Nhân việc tiết kiệm điện, nhiều người nói hãy nâng lên thành văn hóa tiết kiệm, thành thói quen chi tiêu đủ dùng trong cuộc sống. Cơ quan, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tránh họp hành dàn trải, tập trung ưu tiên sản xuất, tạo ra nhiều việc làm. Mỗi người, mỗi gia đình tạo thói quen tiêu pha đủ dùng, mỗi thứ tiết kiệm một chút, đủ nhu cầu thì sẽ đỡ lãng phí nhiều.

“Tích tiểu thành đại”, biết căn cơ và tiết kiệm thì không chỉ điện sẽ không phải cắt giảm luân phiên mà khi thành thói quen, lối sống, mọi thứ sẽ bớt chật vật hơn, chủ động hơn trong mọi điều kiện, nhất là về kinh tế. Và như thế, cuộc sống cũng sẽ bớt áp lực hơn.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/406507/van-hoa-tiet-kiem.html