Văn hóa thương thuyết KPI giữa sếp và nhân viên

Những chỉ tiêu không phải một quyết định đơn phương từ lãnh đạo, mà là kết quả của một cuộc thương thuyết gay go giữa mỗi nhân viên với cấp trên trực tiếp của mình.

Một bên (lãnh đạo) nâng chỉ tiêu lên cao nhất có thể, cho nhân viên ít phương tiện và ngân sách nhất có thể; còn bên nhân viên lại đòi hạ chỉ tiêu, hoặc ít ra không quá sức mình, cũng như đòi những phương tiện đầy đủ nhất có thể để thực hiện công việc.

Doanh nghiệp có bao nhiêu nhân viên là có bấy nhiêu cuộc thương thuyết. KPI, chỉ tiêu cá nhân sẽ là kim chỉ nam cho việc làm của mỗi nhân viên, nhưng trước hết nó là một văn bản giấy trắng mực đen thể hiện sự đồng thuận và cam kết với mỗi cá nhân nhân viên…

Ảnh minh họa. Nguồn: Anna Shvets/Pexels.

Với phong cách làm việc tôi vừa kể trên thì việc áp đặt KPI có ý nghĩa thực, vả chăng mọi người đều được khuyến khích vượt KPI, một điều mà mọi người đều thấy là dĩ nhiên. Mặc dù vậy, ngay tại những nước tiên phong về quản lý, công cụ KPI tiêu thụ rất nhiều thời gian của tổ chức nhưng đem lại rất ít kết quả. Trong khi đó, bất cứ cách quản trị nào khác cũng dư sức mang lại kết quả cho doanh nghiệp. Thậm chí số đông đã bỏ rơi cách làm việc nặng nề này từ nhiều năm.

Ở Việt Nam chúng ta, khái niệm KPI chẳng có nhiều ý nghĩa vì KPI mang tính quan liêu chứ không phải một sự đồng thuận và cam kết thực chất giữa ban lãnh đạo và nhân viên, vì đơn giản mối quan hệ chủ tớ vẫn còn đè nặng, tuy có lúc được che đậy.

Bằng chứng là tôi thấy rất đông công ty không thưởng nhân viên theo KPI một cách trung thực. Và cũng không truy phạt nhân viên một cách khách quan, khoa học. Đó là chưa kể đống cục cưng của Chủ tịch hay Tổng giám đốc, trong đó có những lãnh đạo cấp trung “bất khả xâm phạm” lại đứng ngoài hệ thống KPI một cách ngạo nghễ.

Chẳng trách, vào thời 4.0 các doanh nghiệp Anglo-Saxon bứt xa doanh nghiệp tại các nước quan liêu. Thời nay, bình đẳng là chìa khóa cho một xã hội trọng con người, từ chối cao thấp, hơn thiệt, nhiều ít, mà chỉ tập trung vào việc tạo giá trị từ mỗi người cá biệt. Chính nhờ phong cách làm việc này mà Silicon Valley, nơi quy tụ nền công nghệ thông tin toàn thế giới, đã trở thành một Hệ Sinh Thái vĩ đại.

Nếu không có không khí bình đẳng mọi lúc, mọi nơi, mọi người thì Silicon Valley vẫn sẽ chỉ là một vùng công nghệ giá trị cao, nhưng sẽ không bao giờ trở thành một lò sáng tạo nhộn nhịp, bứt phá và sôi sục. Nhiều quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc, Pháp, đều đã có ý muốn tạo một Silicon Valley thứ hai.

Họ đã thành công khi tạo nên những vùng công nghệ cao, nhưng chưa thành công trong việc tạo nên một vùng tự do sáng tạo rộn ràng, náo nức, tích cực như khi xuất hiện một hệ sinh thái đúng nghĩa. Theo tôi, bình đẳng là một cá tính của mọi hệ sinh thái thực chất và là tố chất chủ yếu trong doanh nghiệp từ thế kỷ thứ XXI trở đi.

Phan Văn Trường/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/van-hoa-thuong-thuyet-kpi-giua-sep-va-nhan-vien-post1464080.html