Văn hóa Thăng Long Hà Nội - Khơi mở nguồn lực nội sinh

Trong những năm qua, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển

Hà Nội là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi và được biết đến là “Thành phố di sản”. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022) theo tinh thần Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

 Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo người dân tới tham dự. Điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội chính là màn trai giả gái đeo trống đánh bồng. Ảnh: Thành Đạt

Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo người dân tới tham dự. Điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội chính là màn trai giả gái đeo trống đánh bồng. Ảnh: Thành Đạt

Thời gian qua thành phố cũng xác định 3 lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo gồm y tế, giáo dục và văn hóa với nguồn vốn được xác định lên tới hơn 90.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 14.000 tỷ đồng được bố trí để bảo tồn, tôn tạo 579 di tích đang xuống cấp và đã xuống cấp nghiêm trọng. Thành phố cũng đang tập trung triển khai một số dự án trọng điểm như tái hiện Điện Kính Thiên, xây dựng đền thờ đức vua Ngô Quyền, thí điểm quy hoạch bảo tồn và phát triển làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây...

Thành phố Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, như hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc dẫn đầu cả nước với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, 1 di sản văn hóa thế giới; nguồn lực con người to lớn và vô cùng quý giá, trên 51,7% dân số trẻ, tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa.

Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Trên cơ sở xác định những lợi thế so sánh về bề dày lịch sử, trên nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua, công nghiệp văn hóa Thủ đô đã có bước phát triển nhất định, đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố, theo số liệu năm 2018). Hà Nội cũng đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu từ công nghiệp văn hóa đạt 5% GRDP của thành phố vào năm 2025, 8% vào năm 2030 và 10% vào năm 2045.

Cần nhiều giải pháp để đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh

Phát triển văn hóa là 1 trong 9 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, đặc thù để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc văn hóa của Thủ đô.

Để phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ bảy cũng đã có những chính sách đặc thù trong phát triển văn hóa của Thủ đô.

 Tour đạp xe khám phá các di sản Hà Nội về đêm.

Tour đạp xe khám phá các di sản Hà Nội về đêm.

Như, xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong theo quy hoạch. Quy định này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố sáng tạo theo kết quả của UNESCO về việc công nhận thành phố Hà Nội là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng giao HĐND thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể. Hay việc cho phép thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để phát triển khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô…

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, tài nguyên văn hóa của Hà Nội có rất nhiều, tuy nhiên muốn đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết là hoàn thiện thể chế chính sách, cơ chế. Vì theo GS.TS Từ Thị Loan, nếu cứ đưa ra nhiều mục tiêu, đích hướng đến nhưng không có sự thay đổi quyết liệt về cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn thì rất khó thực hiện. Nên việc đầu tiên là phải hoàn thiện rà soát xem cơ chế, thể chế nào chưa phù hợp cần thay đổi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, đưa ra các chính sách thu hút nguồn lực, nguồn đầu tư thì mới có thể phát triển được.

Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, cần có nguồn vốn, tài chính để thực hiện phát triển văn hóa. Ngoài việc đầu tư cho phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội từ nguồn lực của Nhà nước, cần phải huy động các nguồn lực tài chính của xã hội, xã hội hóa, gia tăng sự tham gia của không chỉ doanh nghiệp mà cả cộng đồng người dân.

 Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Tiếp đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi con người là cái quyết định tất cả mọi vấn đề thành bại, cho nên từ quản lý cho đến đội ngũ thực thi chính sách, người dân, thực hành tất cả những công việc chức trách, nghĩa vụ, bổn phận của mình đều phải nâng cao về mặt chuyên môn, về nhận thức, về đạo đức, phẩm chất… thì mới đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Trong hội nhập quốc tế, không phải chỉ trong “ao làng” mà phải vươn ra thế giới, hội nhập, nhìn ra khu vực, nhìn ra quốc tế. Phải thay đổi từ tư duy cho đến hành động, tầm nhìn chiến lược, không chỉ hướng nội mà còn phải hướng ngoại.

Đặc biệt, hiện Hà Nội đang tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô, để Thủ đô càng ngày càng phát triển, việc sửa đổi cần phải bám sát thực tiễn để khi áp dụng Luật phải đưa được vào cuộc sống, phải cụ thể hóa, triển khai, thực thi…

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-hoa-thang-long-ha-noi--khoi-mo-nguon-luc-noi-sinh-post282050.html