Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi

Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp; đồng thời kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của đất nước.

Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt trong gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế ngày càng được Đảng ta quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện, theo đó xác định nhiệm vụ: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”.

Thúc đẩy việc xây dựng và gìn giữ văn hóa trong kinh doanh hướng đến định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề “Văn hóa kinh doanh: Dòng chảy phát triển và hội nhập” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về nhiệm vụ, giải pháp định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có văn hóa doanh nghiệp, thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội như: Luật Điện ảnh (sửa đổi) tiếp cận điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa; Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan góp phần phát huy sức sáng tạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp…

Trong công tác xây dựng môi trường văn hóa nói chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan, các liên đoàn, hiệp hội để chung tay xây dựng, củng cố, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp gắn với truyền thông ngàn đời của dân tộc.

Đối với công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp nói riêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động trong đó nổi bật là Diễn đàn văn hóa doanh nghiệp thường niên nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa, định hình bản sắc con người Việt Nam; tạo động lực, thúc đẩy việc xây dựng và gìn giữ văn hóa trong kinh doanh hướng đến định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam; và giúp tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam và lan tỏa điển hình thành công.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: HQ)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Đảng, Nhà nước ta xác định “doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố, phát huy, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho quốc gia, dân tộc.

Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị vừa qua đã xác định nhiệm vụ: Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi.

Tiếp cận theo hướng này, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp; đồng thời kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của đất nước và con người Việt Nam, gắn với sự phát triển hưng thịnh, bền vững, có trách nhiệm với xã hội; lan tỏa được những hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng kinh doanh; quảng bá được hình ảnh đất nước, văn hóa con người Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, gần đây các nhà kinh tế, các nhà quản trị doanh nghiệp tìm đọc quyển sách Thời kỳ hậu Corona. Không chỉ thừa nhận 2 luận điểm: Tác động của đại dịch sẽ là động lực tăng tốc của nhân loại; Là trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào có cơ hội, khủng hoảng càng mạnh, cơ hội càng lớn. Mà còn sự trăn trở có phải kinh doanh phải luôn tìm kiếm lợi thế, không cho đi bất cứ thứ gì mà không nhận lại nhiều hơn? Hay chúng ta có một xã hội hưng thịnh nhưng ít tiến bộ? Những suy tư giàu tính nhân bản của Giáo sư Galloway – Trường Đại học New York (Mỹ) nêu trong cuốn sách có mối quan hệ nào giữa kinh tế và văn hóa.

Vì vậy, "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn tinh thần và giá trị thực chất của diễn đàn sẽ được ủng hộ và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, góp phần tạo sức mạnh nền tảng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, từ đó góp phần vào thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong thời gian tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên như Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã xác định"- ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, trong phiên tọa đàm và tranh luận với chủ đề “Kinh doanh để làm giàu hay phụng sự xã hội?”, bà Tiêu Yến Trinh, Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Talentnet cho rằng, làm giàu và phụng sự xã hội không đối lập mà nên bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần phải cân bằng được hai mục tiêu này. Qua đó, họ sẽ có thể tạo ra những giá trị bền vững cho chính mình, cho đất nước và cho thế giới. Còn theo ông Phạm Văn Điềm, đại diện Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), vẫn còn một số thách thức khi xây dựng những chuẩn mực văn hóa và dung hòa văn hóa khi doanh nghiệp hoạt động trong các thị trường khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Ở góc độ nghệ sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Thịnh - Người sáng lập ra Nhà hát VOH Music One, Bảo tàng Nhạc cụ MIM Saigon kiến nghị, để khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư văn hóa, cần có chính sách phù hợp, tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Song song đó, doanh nhân, doanh nghiệp cần thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia hiệu quả vừa đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa nhân văn, giàu bản sắc.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/van-hoa-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-can-the-hien-ro-net-ban-sac-cot-loi-289175.html