Văn hóa đặc sắc của bộ tộc Mundari

Bộ tộc Mundari là một nhóm bộ tộc nhỏ thuộc Cộng hòa Nam Sudan, có dân số hơn 70.000 người. Nơi sinh sống chủ yếu của bộ tộc Mundari gần với thung lũng sông Nile, cách Thủ đô Juba, Cộng hòa Nam Sudan khoảng 75km về phía Bắc. Vùng đất nơi người Mundari sinh sống được sông Nile bao bọc tạo nên nguồn nước dồi dào cung cấp cho nghề chăn nuôi gia súc của bộ tộc.

Đàn ông Mundari cùng đàn gia súc. Ảnh: FLICKR

Đối với bộ tộc Mundari, văn hóa truyền thống được lưu truyền qua các bài hát dân gian, điệu múa, bài thơ. Các nghi lễ là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa của bộ tộc. Để được công nhận là người trưởng thành, đàn ông Mundari phải trải qua các nghi thức sống tại một nơi hoang vu, cách xa bản làng trong vòng 3 tháng. Đàn ông Mundari sẽ kết thúc nghi thức chuyển sang tuổi trưởng thành bằng việc tạo ra những vết sẹo hình chữ V trên trán. Đàn ông Mundari coi đấu vật là môn thể thao nghiêm túc từ khi còn rất trẻ. Họ thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu vật để thu hút nhiều người đàn ông trẻ tham gia.

Mặc dù có bản chất thân thiện và yêu hòa bình, nhưng người Mundari trang bị vũ khí, giống như hầu hết các bộ tộc ở Cộng hòa Nam Sudan. Do trước đó, tại Cộng hòa Nam Sudan xảy ra nhiều cuộc nội chiến kéo dài nên vũ khí đối với người dân Sudan trở nên phổ biến và dễ mua hơn. Tuy nhiên, bộ tộc Mundari trang bị vũ khí chỉ nhằm mục đích bảo vệ đàn gia súc của họ. Đất đai nơi bộ tộc Mundari sinh sống chủ yếu bằng phẳng và có những ngọn đồi lớn bao quanh. Loại đất tại khu vực này chủ yếu là đất sét, cung cấp môi trường thuận tiện cho việc chăn thả gia súc. Người Mundari coi gia súc là một dạng tiền tệ để trao đổi hàng hóa và cũng là tài sản để thể hiện địa vị trong xã hội.

Theo truyền thống của bộ tộc Mundari, bò có tên gọi Ankole-Watusi được coi là vật linh thiêng trong cộng đồng. Của hồi môn trong các cuộc hôn nhân đều được tính bằng gia súc; một người đàn ông có thể lấy nhiều vợ, nếu anh ta sở hữu nhiều gia súc. Tại các chuồng trại gia súc, người Mundari hay chất phân bò thành đống rồi đốt lên để xua đuổi ruồi muỗi và côn trùng bám xung quanh chuồng trại. Tro tàn từ các đống lửa được người Mundari sử dụng để bôi lên da làm chất khử trùng tự nhiên khỏi côn trùng và ánh nắng mặt trời.

Người Mundari cũng sử dụng tro để xoa bóp cho gia súc 2 lần một ngày. Người Mundari kết hợp nước tiểu của bò với tro để đánh bóng bộ sừng của đàn gia súc. Trong trại gia súc, mỗi người đều có vai trò riêng. Đàn ông Mundari thường chăn thả bò vào các cánh đồng vào ban ngày và lùa bò vào chuồng trước khi mặt trời lặn. Phụ nữ Mundari trong lúc đó sẽ dọn dẹp chuồng trại và chuẩn bị nấu nướng. Khi trời tối, các gia đình chơi kèn khắp các túp lều dựng tạm ngay gần gia súc.

Trong cộng đồng bộ tộc Mundari, những người lớn tuổi (từ 38 tuổi trở lên) thường sống trong các túp lều và trồng trọt, còn những người trẻ tuổi tập trung chăn thả gia súc và di chuyển liên tục đến những ngọn đồi để tìm thức ăn cho gia súc. Nhiều đàn gia súc lớn lên tới 850 con, vì vậy cần phải di chuyển liên tục để tìm kiếm đủ thức ăn cho cả đàn gia súc.

Ngày nay, phong cách sống của người Mundari đang dần thay đổi khi những người trẻ tuổi đã biết sử dụng điện thoại thông minh trong khi vẫn tập trung chăm sóc đàn gia súc. Hiện, Chính phủ Nam Sudan đang xây dựng một đường cao tốc nối Thủ đô Juba với quận Terekeka - nơi người Mundari sinh sống. Khi việc xây dựng đường cao tốc được hoàn thành, bộ tộc Mundari và các bộ tộc khác sống gần thung lũng sông Nile sẽ có cơ hội phát triển tiềm năng du lịch và cơ sở hạ tầng cần thiết.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/van-hoa-dac-sac-cua-bo-toc-mundari-post449619.html