Văn hóa búp bê Nhật Bản 'chinh phục' công chúng Việt Nam

Nhắc đến Nhật Bản, ngoài hoa anh đào, kimono, trà đạo... còn một thứ rất nổi tiếng mà người Nhật cũng rất tự hào, đó chính là búp bê. Với người Nhật, búp bê không chỉ có ý nghĩa một món quà, một thứ đồ trang trí, mà nó mang trong mình cả một nền văn hóa lâu đời.

Búp bê không phải để… chơi

Búp bê là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống xuất hiện lâu đời nhất ở Nhật Bản. Theo ông Osuka Shoya - Trợ lý Giám đốc Phụ trách văn hóa, nghệ thuật của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Japan Foundation, cho đến nay vẫn chưa xác định được lịch sử của búp bê ở đất nước mặt trời mọc. Có rất nhiều thuyết về búp bê, nhưng nhiều người cho rằng, những con búp bê đầu tiên đã xuất hiện từ thời kỳ Jomon (trước Công nguyên). Khi đó, người ta đã làm ra những con búp bê hình người bằng đất nung cổ xưa nhất với tên gọi Dogu. Tuy nhiên, búp bê Dogu chưa giống người cho lắm, phải đến thời kỳ Heian (794 - 1185) mới có những loại búp bê giống người hơn.

Các bạn trẻ tham quan triển lãm “Búp bê Nhật Bản” tại Đà Nẵng, tháng 6/2023.

Nghệ thuật trang trí búp bê phát triển rực rỡ vào thời Edo (1600 - 1868), đây cũng là một trong những thời kỳ hoàng kim của văn hóa búp bê Nhật Bản. Người ta có thể tìm thấy sự hiện diện của búp bê cả trong cuộc sống của triều đình cũng như cuộc sống thường dân. Thời kỳ này, hình dáng búp bê cơ bản đã giống thời nay, với trang phục của búp bê nữ là kimono còn búp bê nam mặc kiểu võ sĩ.

Qua nhiều thế kỷ, văn hóa búp bê ở Nhật Bản phát triển rất đa dạng, phong phú. Theo ông Osuka Shoya, đến nay, ngay cả những người làm văn hóa ở Nhật cũng không thể xác định rõ có bao nhiêu dòng búp bê. Ngoài hàng chục dòng búp bê nổi tiếng thế giới thì mỗi địa phương ở Nhật Bản lại chế tác một dòng búp bê của riêng mình, với các hoa văn và kỹ thuật rất riêng.

Tiến trình phát triển của lịch sử đã đưa búp bê trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người Nhật Bản. Búp bê phản ánh tập tục, văn hóa, tín ngưỡng, chuyển tải nguyện ước của người dân. Được cho là biểu tượng cho sự yên lành, người Nhật tin rằng, khi đứa trẻ chơi với những con búp bê, chúng sẽ được che chở và khỏe mạnh. Vì vậy, khi một đứa trẻ ra đời, chúng thường được mua tặng một vài chú búp bê đặt bên cạnh như một lời chúc phúc. Sau này, người ta mới sử dụng búp bê làm vật trang trí hoặc trưng bày, tuy nhiên, việc sử dụng búp bê với ý nghĩa mong muốn sức khỏe cho trẻ em hiện nay vẫn rất thịnh hành ở các làng quê Nhật Bản.

Búp bê "Bảy nón", lấy nguyên tác là một phân cảnh trong vở kịch Kabu-ki "Musume Dojoji".

Điều đặc biệt, dù đã trải qua hàng nghìn năm, việc chế tác búp bê không thay đổi nhiều mà vẫn được thực hiện theo các phương pháp thủ công truyền thống. Người Nhật vẫn giữ phong tục lưu truyền những bộ búp bê quý giá trong gia đình từ đời này sang đời khác.

“Những năm gần đây, người trẻ ở Nhật có xu hướng xa rời các giá trị văn hóa truyền thống, do đó, để tăng sức hấp dẫn, các nghệ nhân đã sáng tạo ra búp bê có hình dáng nhân vật trong các truyện tranh và phim hoạt hình. Nhưng chất liệu vẫn là gỗ hoặc đất nung truyền thống, đôi khi có thể bằng rơm hoặc giấy” - ông Osuka Shoya nói.

Do được làm hoàn toàn thủ công với nhiều công đoạn tỉ mỉ nên việc chế tác búp bê có thể lên đến hằng tháng trời, thậm chí cả năm. Đối với một số loại búp bê kích thước lớn, nhiều chi tiết, có thể cần tới 20 nghệ nhân tham gia chế tác, mỗi nghệ nhân sẽ đảm nhiệm một công đoạn riêng biệt. Một số búp bê được thiết kế công phu, tinh xảo có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật độc bản và đắt đỏ. Giá thành loại búp bê này trung bình có thể lên đến trên 2.000 USD.

Công chúng tham quan triển lãm "Búp bê Nhật Bản" tại Đà Nẵng, tháng 6/2023.

“Việt hóa” sản phẩm truyền thống Nhật Bản

Trao đổi với NB&CL, ông Osuka Shoya cho biết, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản đã mang búp bê giới thiệu với người Việt Nam qua các kỳ triển lãm từ năm 2020. Hiện Trung tâm có một bộ sưu tập búp bê khá phong phú và “đẹp lộng lẫy”. Chiêm ngưỡng bộ sưu tập, ngoài những điều có thể thấy ngay là cái đẹp, sự tinh xảo, thần thái trong chế tác, thì mỗi tác phẩm búp bê còn ẩn chứa nhiều nét tinh túy khác. Chẳng hạn búp bê được khoác lên những bộ kimono di sản từ thời rất xa xưa hay búp bê mang hình dáng nhân vật trong kịch nô - loại kịch cổ xưa nhất thế giới... Do đó, triển lãm sẽ đưa đến cho người xem rất nhiều điều, không chỉ qua những con búp bê được trưng bày, mà đằng sau đó là những câu chuyện thú vị về xứ sở “mặt trời mọc”.

“Văn hóa Nhật Bản rất phong phú, trong đó những gì gắn với chữ “Đạo” đều mang những tinh thần, những triết lý sâu sắc, phải cần nhiều thời gian, cần kiến thức để hiểu được những triết lý đó rồi mới cảm nhận được vẻ đẹp của nó. So với những bộ môn gắn với chữ “Đạo” thì văn hóa búp bê tương đối dễ tiếp cận. Đó là lý do chúng tôi coi búp bê như là bước đầu tiên để mọi người đến với văn hóa Nhật Bản” - ông Osuka Shoya cho hay.

“Vần điệu” - thiếu nữ chơi đàn Biwa (tỳ bà) thuộc dòng búp bê Jidai Fuzoku.

Ông Osuka Shoya cũng chia sẻ thêm, trong 3 năm đầu, Trung tâm tập trung vào công chúng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2023, Trung tâm đã đưa búp bê đến triển lãm tại các địa phương khác là Đà Nẵng và Bắc Giang. Mong muốn của Trung tâm là để những người ít có cơ hội tiếp cận với văn hóa Nhật Bản được làm quen với một nét văn hóa từ xứ Phù Tang một cách chính quy hơn.

Đồng thời, năm 2023 cũng đánh dấu một bước chuyển mới, khi Trung tâm bắt đầu đưa triển lãm ra khỏi khuôn viên bảo tàng bằng hai sự kiện trưng bày tại Eon Mall Long Biên vào tháng 9 và tại Học viện Ngoại giao vào tháng 10 vừa qua. Đặc biệt, Japan Foundation đã đặt riêng một bộ sưu tập dành cho Việt Nam với những chú búp bê Kokeishi mặc áo dài, búp bê hình dạng các nhân vật trong múa rối nước hay ông phỗng trong văn hóa Việt Nam.

"Sột soạt xiêm y", dòng búp bê Jidai Fuzoku với trang phục 12 lớp của quý tộc nữ thời Heian.

“Mặc dù búp bê được chế tác hoàn toàn bằng phương pháp Kokeishi nhưng mang nét văn hóa Việt nên nhiều ý kiến chia sẻ rằng, người Việt Nam cũng thấy thân thuộc, gần gũi. Qua đây, có thể thấy rõ sự linh hoạt, biến đổi để thích ứng của búp bê cũng như văn hóa Nhật Bản” - ông Osuka Shoya chia sẻ.

Đại diện của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho hay, gần 4 năm qua, Trung tâm đã tổ chức 11 kỳ triển lãm về búp bê Nhật Bản. Trong những sự kiện này, đơn vị đều tổ chức khảo sát, lấy ý kiến công chúng tham dự. Kết quả cho thấy, có đến hơn 90% số ý kiến phản hồi hài lòng, nhất là các bạn trẻ. Đặc biệt, tại Aeon Mall Long Biên, đã có hơn 20.000 người ghé thăm chỉ trong 1 tuần và rất nhiều người bày tỏ ấn tượng với triển lãm.

Búp bê Kokeshi phỏng theo trò “Sự tích Hồ Gươm” và “Múa Bát tiên” của múa rối nước Việt Nam.

“4 năm qua, chúng tôi thấy rằng đã có nhiều hơn những người Việt Nam biết về thuật ngữ “NINGYŌ” (búp bê), mỗi kỳ triển lãm giới truyền thông quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn. Nhờ hơi thở thời đại, búp bê đã phổ biến nhiều nơi trên thế giới và được nhiều người yêu mến, trong đó có Việt Nam. Tôi nghĩ, đó là thành công của chúng tôi trong những nỗ lực kết nối hai nền văn hóa Nhật Bản và Việt Nam - những đối tác ngày càng quan trọng của nhau. Thật mừng vì điều đó” - ông Osuka Shoya nói.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-hoa-bup-be-nhat-ban-chinh-phuc-cong-chung-viet-nam-post275473.html