Văn Hán phát huy vai trò kinh tế tập thể

Thời gian qua, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đã chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và Chương trình OCOP.

Các thành viên HTX chè Văn Hán thu hái chè.

Với trên 1.000ha chè kinh doanh, Văn Hán thuộc nhóm địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện Đồng Hỷ. Đây cũng chính là cây trồng chủ lực đem lại việc làm, nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã có 17 làng nghề chè, 6 hợp tác xã (HTX) trồng và chế biến chè; 2 tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ và 8 tổ sản xuất chè VietGAP, với tổng 450 thành viên.

Để phát triển kinh tế từ cây chè, xã Văn Hán đã vận động người dân tận dụng những diện tích đất đồi, đất bãi bỏ trống để trồng chè; đưa các giống chè lai có năng suất cao vào trồng. UBND xã cũng phối hợp mở các lớp tập huấn cho người dân về trồng chè an toàn, VietGAP. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể để rà soát, hỗ trợ hội viên, người dân thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, HTX...

Qua đó không chỉ sản lượng chè búp tươi của địa phương tăng gấp nhiều lần so với những năm về trước, mà chất lượng sản phẩm chè cũng được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện rõ nhất khi từ năm 2020 đến nay, xã đã có 8 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Trong đó chủ yếu là sản phẩm của các mô hình KTTT.

Tiêu biểu như HTX chè Văn Hán (xóm Ba Quà) được thành lập năm 2019, với 8 thành viên. Từ gần 8ha chè ban đầu, đến nay HTX đã có thêm 30 hộ dân liên kết, vùng nguyên liệu được mở rộng lên 14ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 6ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Chị Dương Thị Chang, Giám đốc HTX chè Văn Hán, chia sẻ: Năm 2021, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm “Chè tôm nõn Văn Hán” đạt OCOP 4 sao. Hiện nay, HTX có 8 dòng sản phẩm, trung bình mỗi tháng, chúng tôi bán được khoảng 1 tấn chè khô, với giá từ 200 đến 500 nghìn đồng/kg.

Các thành viên HTX bưởi Văn Hán trao đổi kinh nghiệm chăm sóc bưởi. Ảnh: C.T.V

Cùng với trồng chè, bà con nhân dân trong vùng cũng mở rộng diện tích trồng bưởi. Toàn xã có 115ha bưởi/150ha cây ăn quả. Với sự phát triển mạnh mẽ của loại cây trồng này, năm 2020, xã đã thành lập HTX bưởi Văn Hán, thu hút 10 thành viên tham gia. Hiện nay, HTX đã có 5,4ha bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc HTX bưởi Văn Hán, cho biết: Chúng tôi thành lập HTX nhằm tập hợp các thành viên có cùng định hướng sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nâng cao chất lượng, tăng giá trị kinh tế cho cây bưởi địa phương.

Từ thực tế có thể thấy, vai trò của các mô hình KTTT trên địa bàn xã Văn Hán đã từng bước được khẳng định, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên, hiện đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của KTTT; tiếp tục định hướng thành lập các mô hình KTTT xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và phù hợp với đặc thù của địa phương.

Bên cạnh đó, cùng với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ KTTT của Nhà nước, xã cũng vận động các thành phần KTTT hoạt động theo Luật HTX mới, đẩy mạnh liên kết phát triển các sản phẩm OCOP, khẳng định thương hiệu của nông sản địa phương…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202311/van-han-phat-huy-vai-trokinh-te-tap-the-7e1169c/