Vận dụng hiệu quả những kinh nghiệm từ Chiến thắng Điện Biên Phủ

LTS: Hội thảo 'Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa' diễn ra ngày 11-4, do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức.

Các tham luận tại hội thảo tập trung khẳng định đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Bác Hồ; ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh chính trị tinh thần to lớn của dân tộc; sự độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam; làm sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử; rút ra những bài học kinh nghiệm quý để vận dụng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Báo Quân đội nhân dân tiếp tục trích đăng một số tham luận tại hội thảo.

Đồng chí MÙA A SƠN, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên:

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”

Đầu năm 1954, trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, Ban cán sự đảng tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) đã tích cực củng cố, xây dựng vùng mới giải phóng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ; phân công các đồng chí ủy viên xuống các huyện, xã trọng điểm chỉ đạo phong trào, điều động một số cán bộ các ngành chuyên môn xuống giúp cán bộ cơ sở tổ chức huy động nhân lực, vật lực.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, từ đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh đến Hà Nhì, Mảng, Khơ Mú... người người, nhà nhà thi đua tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch.

Đồng chí MÙA A SƠN, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên.

Trong điều kiện đời sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, thậm chí có vùng, có nhiều gia đình không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng đồng bào các dân tộc vẫn sẵn sàng nhường lương thực, thực phẩm và các vật dụng cần thiết cho bộ đội, hết lòng phục vụ kháng chiến... đã cho thấy tinh thần “cả nước cùng ra trận” đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo thống kê, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vượt mức được giao với 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động được gần 17.000 dân công với hơn 568.000 ngày công, hơn 400 con ngựa thồ, hàng nghìn thuyền mảng...

Đồng bào huyện Điện Biên khi bị địch dồn vào các nơi tập trung còn đuổi trâu, bò, lợn, gà của gia đình vào rừng và báo cho bộ đội ta, quyết không để rơi vào tay giặc. Cùng với công tác phục vụ chiến trường, quân và dân Điện Biên còn tham gia công tác tiễu phỉ, góp phần làm trong sạch địa bàn cơ sở. Kết quả là LLVT tỉnh Điện Biên đã làm tan rã hầu hết các cụm phỉ, tiêu diệt tại chỗ 88 tên, trong đó có một số đối tượng đầu sỏ và chỉ huy; bắt 120 tên, thu 867 khẩu súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự khác...

Có thể khẳng định rằng, chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, vào bộ đội, đồng bào mới sẵn sàng và tích cực đóng góp cho chiến dịch như vậy. Đó là một nỗ lực phi thường, thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh.

Thời gian đã lùi xa 70 năm, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hào khí của chiến thắng "chấn động địa cầu" ngày 7-5-1954 đang tiếp thêm động lực, sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vững bước trên con đường phát triển, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

----------

Đại tá NGUYỄN HỮU TÀI, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312:

Nâng cao quyết tâm, khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực

Ngày 6-4-1954, tôi nhận được điện thoại của cấp trên chỉ định cùng anh Hoàng Cầm, Trung đoàn trưởng về Sở chỉ huy Chiến dịch họp sơ kết sau hai đợt tiến công, rút kinh nghiệm các trận đánh vừa qua và bàn biện pháp chiến đấu, trong đó có cuộc vận động chính trị: “Nâng cao quyết tâm, khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, bảo đảm chiến dịch toàn thắng”.

Đại tá NGUYỄN HỮU TÀI, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

Trong hội nghị, bài nói chuyện của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ) rất ấn tượng và sâu sắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương những ưu điểm và thắng lợi đã đạt được sau hai đợt tiến công, phân tích những khó khăn và khuyết điểm của ta một cách sâu sắc, nhất là những khuyết điểm của một số đơn vị trong các trận đánh trên cao điểm phía Đông.

Đại tướng nói: Phạm những khuyết điểm trên không phải do cán bộ chưa có kinh nghiệm mà do không triệt để chấp hành mệnh lệnh; thiếu trách nhiệm, thiếu quyết tâm là nguồn gốc của những khuyết điểm vừa qua. Đảng ủy Mặt trận nhận định, tư tưởng hữu khuynh tiêu cực nếu không được giải quyết, khắc phục hiệu quả thì sẽ dẫn đến thất bại.

Không khí hội nghị khá căng thẳng nhưng rất dân chủ, thẳng thắn, sòng phẳng. Ưu điểm và khuyết điểm, trách nhiệm và tình thương yêu bộ đội, thuận lợi và khó khăn đều được mổ xẻ, đánh giá rất cụ thể. Qua hội nghị, mọi người đều thấm thía những khuyết điểm mà mình phạm phải; thấy rõ những lời phê bình, nhận xét nghiêm khắc nhưng chí tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cần thiết để tiếp sức cho từng người hoàn thành nhiệm vụ. Hội nghị cũng bàn bạc, tỏ rõ quyết tâm thực hiện thắng lợi đợt tổng công kích, kết thúc số phận toàn bộ quân địch trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Không chỉ bày tỏ ý chí thống nhất, lòng quyết tâm cao độ, hội nghị còn chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể phải làm ngay: Củng cố trận địa, đánh lấn, bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch, đào hào cắt sân bay, pháo kích và đặc biệt nhấn mạnh phải chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần để bộ đội đủ sức chiến đấu dài ngày.

Trở về đơn vị, chúng tôi báo cáo với Đảng ủy Trung đoàn về tinh thần và quyết tâm của hội nghị. Ngay sau đó, những đợt sinh hoạt kiểm điểm của các cấp ủy đến chi bộ đã nêu rõ thành tích, ưu điểm và thiếu sót trong thời gian qua; từng cá nhân đều liên hệ tự kiểm điểm chức trách của mình, từ đó càng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

----------

Thiếu tướng, PGS, TS NGÔ TRỌNG CƯỜNG, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng:

Bài học về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân

Điện Biên Phủ là một căn cứ lục quân, không quân lớn của Pháp, có vị trí chiến lược ở chiến trường Bắc Đông Dương, nơi có binh lực đông, gồm những đơn vị thiện chiến... Vì vậy, các chỉ huy cao cấp của quân Pháp và Mỹ đã đánh giá Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”, nếu Việt Minh mạo hiểm tiến công thì chỉ có một kết quả là “đi vào con đường tự sát” và chắc chắn thất bại...

Thiếu tướng, PGS, TS NGÔ TRỌNG CƯỜNG, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng.

Nhưng, kẻ địch đã lầm. Với quyết tâm đánh thắng địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật lập thế trận của ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Cụ thể là, quá trình lập thế trận trực tiếp tiến công quân địch ở tập đoàn cứ điểm, ta đã dựa vào thế của chiến lược tạo ra, tiến hành lập thế trận chiến dịch theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, xây dựng thế trận bao vây, đánh lấn dần từng bước; tập trung binh lực, hỏa lực ưu thế tuyệt đối tạo nên thế mạnh áp đảo để thắng địch trong từng trận, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào trung tâm.

Cùng với sử dụng các biện pháp tác chiến để lập thế trận, ta còn dùng nhiều biện pháp phi tác chiến (làm đường, hầm, hào; tiến hành vận chuyển, tiếp tế lương thực, vật chất, đạn dược...) và nghi binh lừa địch để cơ động xe pháo, bộ đội vào vị trí tập kết, vị trí triển khai chiến đấu trong điều kiện địch có ưu thế hơn ta về phương tiện trinh sát và hỏa lực từ xa.

Đồng thời, từ các trận địa xuất phát tiến công, quân ta đào chiến hào tiến sát các cứ điểm, có nơi vào tận hàng rào địch; sự sáng tạo đó không chỉ giúp cho bộ đội ta thực hiện đột phá trận địa địch không qua giai đoạn vận động từ xa mà còn thực hiện nhiều cách đánh sáng tạo và hiệu quả.

Một vấn đề khác đã cho thấy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là: Ta đã khắc phục nhiều khó khăn do mưa lũ gây nên, chủ động triển khai tuyến vận tải, tiếp tế trên quãng đường dài để bảo đảm cung cấp kịp thời đạn dược, lương thực, thuốc men và lực lượng mới cho chiến dịch diễn ra dài ngày với lượng tiêu thụ, tiêu hao lớn chưa từng có. Quân và dân ta đã tận dụng cả đường bộ, đường sông và sử dụng mọi phương tiện vận chuyển từ thô sơ đến hiện đại làm tăng thêm khả năng và khối lượng vận chuyển, tiếp tế. Sự kết hợp huy động khả năng hậu cần tại chỗ và đưa từ hậu phương chiến lược ra đã góp phần cung cấp nhanh chóng các nhu cầu hậu cần cho chiến dịch.

Nét nổi bật về lập thế trận chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là ta đã kết hợp chặt chẽ giữa thế và lực; phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của thế và lực trên chiến trường rộng cả Đông Dương, nhưng vẫn bố trí triển khai được lực lượng chủ lực tập trung hợp lý ở chiến trường trọng điểm để tạo ra bước chuyển chiến lược mới, tạo ra một thắng lợi kép trong đòn quyết chiến chiến lược với địch ở Điện Biên Phủ...

----------

Trung tướng, PGS, TS TRẦN VI DÂN, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an):

Phát huy “thế trận lòng dân”, phục vụ đắc lực Mặt trận Điện Biên Phủ

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu hiện sinh động thành công của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo. “Thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà lực lượng Công an nhân dân (CAND) góp phần xây dựng là thế trận ở đó mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài, mỗi lực lượng là một bộ phận quan trọng trên mặt trận bảo vệ, phục vụ chiến dịch.

Trung tướng, PGS, TS TRẦN VI DÂN, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an).

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay từ đầu năm 1953, Thứ Bộ Công an (tiền thân của Bộ Công an) đã chỉ thị lực lượng bảo vệ chính trị và công an các cấp thuộc Liên khu 4, Liên khu 3, khu Tả Ngạn, Liên khu Việt Bắc, khu Tây Bắc tăng cường công tác phát động quần chúng “phòng gian bảo mật” và “bảo vệ nội bộ”. Đồng thời, sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra để phát hiện, đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm của địch, truy lùng những toán gián điệp, biệt kích xâm nhập vùng tự do, nhất là địa bàn Tây Bắc.

Được sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của nhân dân, lực lượng CAND đã phối hợp liên tục mở nhiều cuộc tiến công trấn áp phản cách mạng, bắt hầu hết toán gián điệp biệt kích hỗn hợp (GCMA) do địch tung xuống điều tra, phá hoại cầu cống, bến phà, trục đường, phương tiện giao thông. Triệt phá thành công nhiều vụ gián điệp ẩn nấp hoạt động điều tra về giao thông, thu thập tin tức, chỉ điểm cho máy bay địch ném bom đánh phá. Bằng việc đập tan âm mưu, hoạt động của cơ quan tình báo, gián điệp Pháp, lực lượng CAND đã góp phần “vô hiệu hóa tai mắt của địch”, bảo đảm yếu tố bất ngờ, bảo vệ bí mật, an toàn các kế hoạch tác chiến và việc vận chuyển cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những tháng cuối năm 1953, đầu năm 1954, phối hợp với bộ đội, dân quân du kích, lực lượng CAND đã tham mưu với các cấp ủy, ủy ban kháng chiến hành chính phát động quần chúng nổi dậy phá hàng trăm ban tề, diệt hàng nghìn tên ác ôn, bắt hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền nguy hiểm đưa đi tập trung cải tạo, mở rộng vùng tự do, khu du kích kháng chiến. Tháng 4-1954, các cụm phỉ ở Mường Tè và các huyện phía Bắc Lai Châu... cũng lần lượt bị tiêu diệt và tan rã.

Bài học từ Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy, chỉ có trên cơ sở đồng tình, ủng hộ và tham gia tự nguyện, tự giác của nhân dân, giữ vững được lòng tin của nhân dân thì lực lượng CAND mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kế thừa truyền thống, lực lượng CAND tiếp tục nêu cao tinh thần “chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

----------

Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG THÁI, Phó chính ủy Quân khu 2:

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong tình hình mới

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Tây Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng. Tiêu biểu là chiến công của Trung đoàn 98 và Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316, Quân khu 2) gắn liền với quá trình chuẩn bị chiến dịch, tiêu diệt cứ điểm C1, A1... cùng những cá nhân tiêu biểu như: Tô Vĩnh Diện, Bùi Minh Đức, Nguyễn Văn Chức, Chu Văn Mùi...

Bên cạnh đó, quân và dân Tây Bắc đã làm tròn nhiệm vụ đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ-“một mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Những đóng góp đó mãi là niềm tự hào đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2.

Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG THÁI, Phó chính ủy Quân khu 2.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ và truyền thống anh hùng cách mạng, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Tổ chức khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế, thi công, bảo quản hệ thống công trình quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; giúp địa phương phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hiệu quả; triển khai rà phá bom, mìn, vật nổ trên địa bàn bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm cơ cấu, thành phần, tỷ lệ đạt 1,8% so với dân số; tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng đạt 100% kế hoạch; các địa phương đều hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối.

Trong 3 năm qua, Quân khu 2 đã bàn giao cho các địa phương 5.215ha đất sạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; huy động 15.723 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, 226 lượt phương tiện các loại tham gia ứng cứu, khắc phục 392 vụ thiên tai, hỏa hoạn trên địa bàn...

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, LLVT Quân khu 2 quyết tâm phát huy hơn nữa tinh thần, hào khí Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ Quân khu 2 vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thường xuyên, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị trên địa bàn, tăng cường bám nắm, nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, dự báo đúng, kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", thực hiện tốt công tác tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội.

Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng LLVT Quân khu 2 tinh, gọn, mạnh; lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, hậu cần-kỹ thuật, kinh tế quốc phòng, tài chính... đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/dien-bien-chien-dich/van-dung-hieu-qua-nhung-kinh-nghiem-tu-chien-thang-dien-bien-phu-772528