Vấn đề gia đình, xã hội, đức tin trong 'Từ niềm tin đến niềm vui'

Nhân đọc Từ niềm tin đến niềm vui của Đặng Phúc Minh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

“Từ niềm tin đến niềm vui” là kết quả của việc nhà thơ, nhà giáo Đặng Phúc Minh dày công tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng những kiến thức văn học, lịch sử, văn hóa, địa lý, xã hội học... để hoàn thành tập sách có giá trị này.

“Vâng, xin sống với niềm tin ngời sáng

Với tình yêu trải rộng đến muôn phương

Đến cuộc đời như buổi sáng mùa xuân

Từng ngây ngất những dòng thơ bất tận”

Đây là 4 câu thơ của tác giả Đặng Phúc Minh mở đầu cho tập sáchTừ niềm tin đến niềm vui của chính anh. Đọc xong 4 câu thơ mở sách đã gây cho tôi sự tò mò, thế là tôi đọc liền một mạch từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng của cuốn sách. Đọc xong tập sách, tôi cảm thấy rất hài lòng và vô cùng ngưỡng mộ kiến văn của nhà thơ, nhà giáo Đặng Phúc Minh.

Với trữ lượng kiến thức lớn, sự tâm huyết đào sâu nghiên cứu về các vấn đề gia đình, xã hội, tôn giáo... thì Đặng Phúc Minh mới có viết được tập sách đầy đặn như thế.

Từ niềm tin đến niềm vuiđược sắp xếp, phân chia bố cục rất bài bản và khoa học. Độc giả dễ nắm bắt những nội dung mà người viết đề cập trong từng bài, từng phần, từng mục. Ngoài phần Mở đầu và phần Góc nhìn của bạn hữu, tập sách được chia làm 3 nội dung lớn rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Phần I: Gia đình (gồm 5 bài viết)

Lòng chung thủy; Hy sinh, yếu tố giữ hạnh phúc gia đình; Cột trụ đức tin nơi gia đình; Nương bóng Mẹ; Mẹ - Nguồn yêu thương vô bờ.

Đặng Phúc Minh đưa lòng chung thủy lên trước nhất là cũng có dụng ý. Bởi chung thủy, đó là vẻ đẹp để tô thắm tình yêu đôi lứa; chung thủy - chất keo kết chặt, suối nguồn nuôi dưỡng tình yêu hôn nhân...

Bằng sự quan sát, nhìn nhận của một người từng trải như Đặng Phúc Minh, ông cho rằng: “Càng trong gian khó, càng qua thử thách chông gai thì lòng chung thủy càng bừng sáng. Trong chiến tranh, vợ chồng phải xa cách năm năm, mười năm, thậm chí cả hàng mấy chục năm, kẻ Bắc người Nam... thế nhưng chính lòng chung thủy đã giúp cho họ mãi mãi luôn hướng về nhau, cùng vững tin chờ ngày đoàn tụ. Thế rồi, ngày ấy đã đến khi đất nước độc lập! Họ lại về bên nhau “như chưa hề có cuộc chia ly”, hạnh phúc nơi gia đình lại được sống lại.

Ngược lại, trong gần nửa thế kỷ qua, ta cũng chứng kiến biết bao gia đình tan nát đổ vỡ, con cái “cù bơ cù bất”; “đầu đường xó chợ” do cảnh “chồng ăn chả, vợ ăn nem”. Nguyên nhân chính bởi họ không giữ được lòng chung thủy khi phải xa nhau. Đau xót hơn nữa, ta còn thấy trong xã hội hiện tại, có những trường hợp dù cùng sống trong một mái nhà nhưng mỗi người đều có “những khoảng trời riêng”, đó cũng là nguyên nhân bào mòn hạnh phúc. Càng giàu sang, có chức có quyền mà thiếu lý tưởng đúng đắn, nghèo đức tin, xa rời đời sống... thì việc đánh mất lòng chung thủy càng dễ xảy ra...”.

Bên cạnh lòng chung thủy là sự hy sinh, đó là yếu tố để giữ hạnh phúc gia đình. Trong gia đình dù hy sinh nhỏ bé hay lớn lao cũng đều đáng trân trọng. Vì tình nghĩa gia đình nên cần hy sinh cho nhau, cần có sự tương tác giữa gia đình với xã hội. Đặng Phúc Minh cũng vạch ra cho bạn đọc thấy được mục đích của việc hy sinh cho nhau của những thành viên trong gia đình và làm cách nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình được bền chặt.

Đặng Phúc Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng “Cột trụ đức tin nơi gia đình”. Một bài viết được khảo sát khá kỹ lưỡng, chi tiết với những số liệu thống kê rành mạch, rõ ràng tạo nên sự bất ngờ đến thảng thốt; bởi lâu nay nghe nhiều nhưng ít người để ý đến. Tỷ lệ ly hôn, nạo phá thai ngày một gia tăng; quyền sống con người không được tôn trọng. “Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới ngày 27/9/2017, Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách các nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Cụ thể: 1. Trung Quốc 7,93 triệu ca/năm; 2. Nga 2,28 triệu ca/năm; 3. Việt Nam 1,52 triệu ca/năm; 4. Mỹ 1,4 triệu ca/năm; 5. Ukraina 0,6 triệu ca/năm.

Việt Nam đứng thứ 3, nhưng xét số ca nạo phá thai trên dân số thì Việt Nam đã vượt Trung Quốc và Nga. Trung Quốc: 7,93 triệu ca/ 1,3 tỉ dân = 0, 006; Việt Nam: 1,52 triệu ca/ 90 triệu dân = 0,0168”.

Nhìn vào những con số thống kê khiến tất cả chúng ta phải suy ngẫm. Không chỉ mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội phải chung tay vì tương lai của giống nòi; tương lai của cả một dân tộc...

Vai trò của người cha, người mẹ cũng có vị trí đặc biệt trong gia đình. Điều này cũng được Đặng Phúc Minh phân tích rất kỹ.

Ở phần I: Bài viết nào cũng hàm súc, cô động với những lý lẽ, luận cứ, luận chứng rõ ràng, cụ thể, giàu tính thuyết phục.

Phần II: Xã hội (gồm 5 bài viết)

Việc giáo dục con cái trong gia đình để trở thành đứa con ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; có ích với cộng đồng xã hội là điều mà các bậc làm cha làm mẹ nào cũng luôn mong muốn.

Từ câu chuyện “hôi bia”, xảy ra ở Biên Hòa vào ngày 04/12/2013 của tài xế Hồ Kim Hậu 30 tuổi, quê Bình Định để tác giả Đặng Phúc Minh luận bàn về cách giáo dục con cái của các bậc làm cha làm mẹ.

Tiếp đến, Đặng Phúc Minh đề cập đến vấn đề lương thực với đời sống con người. Bởi lương thực là điều rất cần thiết cho sự sống và sự tồn tại của con người. Nhưng điều không thể thiếu đó là cần phải được học tập; ngày nay học tập - ngày mai giúp đời. Học để biết, để hiểu, học để làm người có đạo đức, có tri thức để giúp đời, giúp người... Ngoài ra, nhà giáo Đặng Phúc Minh cũng không quên nhắn nhủ về: Trách nhiệm lương tâm trong nghề nghiệp; Động lực cho những hy sinh.

Phần III: Xã hội và tôn giáo(gồm 11 bài viết)

Môi trường sống, những thách đố, tìm nguyên nhân, hướng khắc phục; Một tấm lòng; Tìm về cội nguồn tổ tiên; Sách lược Tiền Cursillo trong môi trường Việt Nam; Tiền Cursillo; Sao Mai, tiếng ngân vang còn mãi với thời gian; Từ niềm tin đến niềm vui; Tinh thần liêm khiết; Con ong tài ba hơn các nhà khoa học; Ta muốn chào em; Ta muốn hẹn em.

11 bài viết với những thông điệp đầy nhân văn, nhân ái hướng về một xã hội tốt đẹp: người và người sống để yêu thương nhau, sống tử tế với nhau...

Trong 11 bài viết ở phần này, đáng chú ý nhất là bài “Từ niềm tin đến niềm vui”. Đặng Phúc Minh chỉ ra sự khác biệt giữa niềm vui và thú vui. Để rồi tác giả đặt ra câu hỏi: Vậy niềm tin tác động đến niềm vui của con người ra sao? Điều đó được nhà giáo Đặng Phúc Minh lần lượt luận giải qua từng khía cạnh: Khi một xã hội mất niềm tin? Từ niềm tin đến niềm vui; Mất niềm tin gia đình ly tán; Người dân mất niềm tin thì đất nước khó bình yên; Niềm tin có từ đâu, hệ quả của việc có niềm tin và không có niềm tin; Tìm niềm vui từ đâu?

Từ niềm tin đến niềm vui của Đặng Phúc Minh là tập sách được viết bằng tình cảm, sự yêu thương trân trọng của một con người hết lòng vì người khác, vì tương lai, hạnh phúc của mỗi nhà, mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc. Từ niềm tin đến niềm vui một khoảng cách tuy xa mà gần, tuy gần mà xa. Nhưng nếu bản thân mỗi chúng ta tự ý thức, luôn vun vén gia đình, luôn nghĩ về người khác, luôn sẵn sàng hy sinh cho người khác để gia đình được hạnh phúc, xã hội luôn được bình yên thì khoảng cách ấy ở trong tầm kiểm soát của chính chúng ta.

Từ niềm tin đến niềm vui là kết quả của việc nhà thơ, nhà giáo Đặng Phúc Minh dày công tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng những kiến thức văn học, lịch sử, văn hóa, địa lý, xã hội học... để hoàn thành tập sách có giá trị này. Đây sẽ là cuốn tư liệu quý cho những ai quan tâm, những ai nghiên cứu về các vấn đề gia đình, xã hội và đức tin!

Nguyễn Văn Hòa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/van-de-gia-dinh-xa-hoi-duc-tin-trong-tu-niem-tin-den-niem-vui-a19945.html