Ván cờ ngày Xuân

Trong những trò chơi truyền thống vào dịp lễ, Tết, cờ tướng luôn thu hút đông người xem, bởi đây là môn giải trí hấp dẫn, lành mạnh, đầy tính cạnh tranh. Những bàn cờ tướng rôm rả ở các góc phố, người lớn, trẻ nhỏ đứng xem chật kín. Khi nhịp độ ván cờ ngày càng gay cấn, thi thoảng vang tiếng hò reo ăn được con

Trong những trò chơi truyền thống vào dịp lễ, Tết, cờ tướng luôn thu hút đông người xem, bởi đây là môn giải trí hấp dẫn, lành mạnh, đầy tính cạnh tranh. Những bàn cờ tướng rôm rả ở các góc phố, người lớn, trẻ nhỏ đứng xem chật kín. Khi nhịp độ ván cờ ngày càng gay cấn, thi thoảng vang tiếng hò reo ăn được con "xe”, con "pháo”, tạo ra không khí vui tươi.

Ván cờ hấp dẫn ở góc phố nhỏ đối diện Cung Thiếu nhi tỉnh.

Ván cờ hấp dẫn ở góc phố nhỏ đối diện Cung Thiếu nhi tỉnh.

Cạnh gốc cây bàng ở góc phố nhỏ đối diện Cung Thiếu nhi tỉnh, ván cờ gay cấn của ông Lương Tuấn Dũng với ông Kiều Bảo thu hút người xem mỗi lúc một đông. Ai nấy đều chăm chú ngó vào bàn cờ, theo dõi thế trận... Với người yêu cờ, không còn khoảng cách quen - lạ, lứa tuổi, địa vị xã hội mà quan trọng là nước cờ hay, thế cờ khó của đối thủ. Ông Dũng mặt ửng đỏ, trán lấm tấm mồ hôi vì rơi vào nước cờ bí. Đối thủ là ông Bảo thì bình tĩnh với thế trận "song pháo” lợi hại. Những người đứng xem, ngó vào bàn cờ cũng chia làm 2 nhóm, nhóm thì bình phẩm thế cờ mạnh của ông Bảo, có chấp thêm "xe”, thêm "mã” thì vẫn thắng, nhóm thì âm thầm mách nước để lật ngược ván đấu. Chuyện thắng thua ở mỗi ván cờ không chỉ hơn nhau trò chơi mà còn thể hiện cái trí, dũng, làm đối thủ tâm phục, khẩu phục.

Theo quan niệm người xưa về cờ tướng: "Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế/ Kiên quyết thời thời yếu tấn công/ Thác lộ song xa dã một dụng/ Phùng thời nhất tốt khả thành công”. (Tạm dịch: "Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết, không ngừng thế tấn công/Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công”). Bởi lẽ đó, thông qua ván cờ, nhìn cách dùng quân, bày trận của người chơi ít nhiều có thể đoán được phần nào tính cách của họ. Chẳng hạn, người tính nóng nảy, bốc đồng thì thích tấn công, đánh nhanh, đập cờ xuống bàn, đôi khi vội vàng hấp tấp, muốn kết thúc cuộc chơi sớm nên thường sử dụng các chiến thuật tấn công, đôi khi dẫn đến sơ hở. Trong khi đó, người tính kiên nhẫn, cẩn thận thì ban đầu thủ thế, tính toán, khiêu khích đợi khi đối phương sơ hở mới tấn công. Ai nhạy bén, linh hoạt thì tính toán nhanh, xử lý được nhiều thế khó ở mọi tình huống, nước cờ nhiều sáng tạo, khó lường. Người trầm tĩnh, bản lĩnh thì dù thua quân vẫn từ tốn chống đỡ, tìm cách hóa giải nước đi để lật ngược thế cờ, ít nói, không ồn ào, nhấc cờ cũng nhẹ nhàng. Người khôn khéo, mưu mẹo thì giả vờ lơ ngơ, chống đỡ khổ sở, thiệt quân rồi bất ngờ chiếu tướng, đối thủ không kịp trở tay...

Ở một số địa phương, thú chơi cờ tướng còn biến thể thành nhiều dạng như cờ bỏi (bàn cờ rộng bằng sân, quân cờ vẽ trên bìa, gắn vào cọc tre) hoặc cờ người (người mặc áo viết tên quân cờ, người chơi như một vị tướng điều khiển trận chiến, dùng cờ hiệu ra lệnh). Nhiều thuật ngữ trên bàn cờ còn đi vào lời ăn tiếng nói trong đời sống: "Mất xe hơn què tượng", "Mã hồi cung, tướng khốn cùng"… Chơi cờ tướng vẫn luôn là thú vui tao nhã của nhiều người, không cần sát phạt bằng tiền bạc như những trò đỏ đen khác mà vẫn hấp dẫn nhau thâu đêm suốt sáng. Dù là người quen hay người lạ, người cao tuổi hay thiếu niên cùng trầm trồ, xuýt xoa với những nước cờ hay, sáng tạo, hấp dẫn. Đánh cờ vừa thư giãn sau một ngày mệt mỏi, lại được giao lưu, kết bạn, học hỏi kinh nghiệm qua từng ván đấu. Có ván đấu hấp dẫn đến mức làm người chơi bỏ cả bữa cơm, đêm muộn quá thì giữ nguyên bàn cờ, sáng sớm hôm sau lại đánh tiếp.

Xem ván đấu của 2 cờ thủ cao niên, chúng tôi ít nhiều chiêm nghiệm được ý tứ sâu xa trong mỗi nước đi. Bởi muốn thắng một ván cờ phải nắm vững, hội tụ nhiều yếu tố như: rèn luyện sự tập trung cao độ, nhìn nhận tổng quát mọi việc, phải vững tâm, không bị đối thủ khiêu khích mà nóng nảy, dễ dẫn đến sai lầm… Đánh cờ không những rèn về trí, còn rèn tâm, biết thế nào là Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín.

"Lâu ngày bạn cũ ghé thăm/ Rượu trà đàm đạo, thơ văn luận bàn/ Cờ, quân bày trí sẵn sàng/ Mỗi bên mỗi nước, mở mang tầm nhìn”, ngày xuân vịnh bài thơ "Bạn cờ”, đàm đạo, kể về những chuyện đã qua, những dự định tốt đẹp sắp tới. Ván cờ ngày Xuân sang thanh tao, khí thế, thế cờ thoáng đãng cũng báo hiệu một năm mới thịnh vượng, khởi sắc.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/15/186501/van-co-ngay-xuan.htm