Ván cờ dài hơi của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn ĐộTin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Chính sách thúc đẩy sản xuất quốc phòng nội địa của Ấn Độ tiếp tục chứng kiến một bước đi mới với việc Bộ Quốc phòng Ấn Độ mới đây thông báo nước này có kế hoạch dành một khoản tiền khổng lồ để mua các loại trang thiết bị quân sự từ các ngành công nghiệp trong nước. Pháo tự hành K9 Vajra-T do Ấn Độ sản xuất được giới thiệu tại một triển lãm quốc phòng. Ảnh: edrmagazine

Theo hãng thông tấn PTI (Press Trust of India), Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 29-3 vừa qua tiết lộ rằng trong vòng 5-7 năm tới, ước tính nước này sẽ mua số trang thiết bị quân sự trị giá 5.000 tỷ rupee (khoảng 66 tỷ USD) từ các ngành công nghiệp trong nước.

Trang mạng Hindustan Times cho rằng dù là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh song lâu nay, Ấn Độ vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí nhập khẩu. Bằng chứng là trong những năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong danh sách quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Cũng chính vì vậy mà gần đây, Ấn Độ đã đưa ra một loạt sáng kiến và biện pháp nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh ngành sản xuất quốc phòng nội địa, từ đó hướng tới mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào khí tài quân sự nhập khẩu từ nước ngoài. Điển hình như tháng 8-2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ ngừng nhập khẩu 101 loại vũ khí và nền tảng quân sự, chẳng hạn như: Tàu ngầm thông thường, tên lửa hành trình, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ…

Khi đó, giải thích về quyết định này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh viết trên mạng xã hội Twitter: “Lệnh cấm đối với vũ khí nhập khẩu được lên kế hoạch thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024, nhằm thông báo đến ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ về các yêu cầu dự kiến của lực lượng vũ trang, giúp họ có sự chuẩn bị tốt để thực hiện mục tiêu nội địa hóa”.

Tiếp đó, tháng 5-2021, Ấn Độ tung ra bản danh sách hạn chế nhập khẩu thứ hai, trong đó có 108 loại vũ khí và hệ thống quân sự như: Hệ thống cảnh báo sớm trên không, động cơ xe tăng, radar… Ngoài ra, cuối năm 2021, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng công bố danh sách 2.500 thiết bị đã được phát triển trong nước và 351 thiết bị sẽ được phát triển trong nước đến cuối năm 2024.

Một trong những biện pháp khác mà Chính phủ Ấn Độ áp dụng nhằm thúc đẩy chính sách sản xuất quốc phòng nội địa, đó là nâng trần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực quốc phòng từ 49% lên 74% theo một lộ trình cụ thể.

Thông qua kế hoạch này, mục tiêu của Ấn Độ là tạo cơ hội lớn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của New Delhi, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua việc lập ra các liên doanh giữa nhà thầu nước ngoài và nhà thầu trong nước.

Như đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman, quyết định này sẽ giúp “giải phóng tiềm năng thực sự” của ngành sản xuất quốc phòng Ấn Độ, từ đó nâng cao vị thế của New Delhi trên thị trường vũ khí toàn cầu và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong nước.

Trang Defense World nhận định, thông qua sáng kiến “Make in India”, quân đội Ấn Độ cũng đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác để mua vũ khí, trang bị. Đáng chú ý, đi kèm với các hợp đồng này là điều kiện bán giấy phép sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để Ấn Độ có thể tiến hành chế tạo ở trong nước. Đây được coi là hướng đi nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ nắm trong tay các công nghệ cốt lõi về vũ khí, sau đó tự phát triển các loại vũ khí ngay ở trong nước.

Một số chuyên gia cho rằng việc phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài như trước đây không chỉ tạo gánh nặng với ngân sách quốc phòng của Ấn Độ mà còn khiến quốc gia này đối mặt với nguy cơ thiếu thốn trang thiết bị quân sự nếu nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn.

Tuy nhiên, với chính sách hiện nay, Ấn Độ dần dần sẽ ít phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu và có thể tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước, nhờ đó vừa tiết kiệm ngân sách, vừa đáp ứng được yêu cầu về nâng cao năng lực phòng thủ và đối phó với những thách thức an ninh. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ vẫn chịu tác động bởi những hậu quả mà đại dịch Covid-19 gây ra, thúc đẩy sản xuất quốc phòng nội địa cũng là cách để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Về lâu dài, chính sách mà Ấn Độ đang triển khai được kỳ vọng sẽ giúp nước này phát huy tối đa năng lực sản xuất quốc phòng, đồng thời đạt được mục tiêu đầy tham vọng là vươn lên vị trí cao hơn trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

Theo Quandoinhandan

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/491200-van-co-dai-hoi-cua-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-an-do.html