Vẫn chưa rõ bên trong lò phản ứng hạt nhân Fukushima sau 13 năm thảm họa

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản bị hư hại nghiêm trọng sau trận động đất và sóng thần lớn tấn công bờ biển phía bắc đất nước, gây ra mối lo ngại về phóng xạ cho đến tận ngày nay.

Hôm thứ Hai (11/3), Nhật Bản đánh dấu 13 năm kể từ khi trận động đất và sóng thần lớn tấn công bờ biển phía bắc của đất nước khiến gần 20.000 người thiệt mạng, nhiều thị trấn bị xóa sổ và phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra nỗi lo sợ sâu sắc về phóng xạ cho đến ngày nay.

Người dân dành một phút mặc niệm vào lúc 14h46 - thời điểm xảy ra trận động đất ở Iwaki, Fukushima, ngày 11/3. Ảnh: Kyodo News

Điều gì xảy ra 13 năm trước?

Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter xảy ra tại Nhật Bản gây ra sóng thần tàn phá các thị trấn ven biển phía bắc ở các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima.

Cơn sóng thần cao tới 15 mét ở một số khu vực đã ập vào nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, phá hủy hệ thống cung cấp điện và làm mát nhiên liệu, đồng thời gây ngập tại các lò phản ứng số 1, 2 và 3. Sự cố gây ra rò rỉ phóng xạ lớn và ô nhiễm trong khu vực.

Công ty Điện lực Tokyo Holdings (TEPCO) nói rằng sóng thần không thể lường trước được nhưng các cuộc điều tra cho biết vụ tai nạn là lỗi của con người, cụ thể do sơ suất về an toàn và lỏng lẻo trong giám sát của các cơ quan quản lý.

Kể từ đó, Nhật Bản đã đưa ra các tiêu chuẩn an toàn chặt chẽ hơn và đã có lúc chuyển sang giai đoạn loại bỏ năng lượng hạt nhân. Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đã đảo ngược chính sách đó và tăng tốc khởi động lại các lò phản ứng khả thi để duy trì năng lượng hạt nhân là nguồn cung cấp điện chính của Nhật Bản.

Ông Kishida đã tham dự lễ tưởng niệm ở Fukushima ngày 11/3. Cả nước đã dành một phút mặc niệm vào lúc 14h46 chiều - thời điểm xảy ra trận động đất kinh hoàng 13 năm trước.

Điều gì xảy ra với người dân trong khu vực?

Hiện khoảng 20.000 trong số hơn 160.000 cư dân sơ tán trên khắp Fukushima vẫn chưa trở về nhà dù một số khu vực đã được mở cửa trở lại sau khi khử nhiễm.

Tại Futaba, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất và là nơi đặt nhà máy Fukushima Daiichi, một khu vực nhỏ đã được mở cửa vào năm 2022. Khoảng 100 người, tương đương 1,5% dân số trước thảm họa, đã trở lại sinh sống.

Rào chắn được dựng lên để hạn chế đi vào khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Futuba. Ảnh: Kyodo News

Cùng với Futaba, thị trấn Okuma đã hy sinh một phần đất của khu vực để xây dựng nơi lưu trữ tạm thời chất thải hạt nhân thu được từ quá trình khử nhiễm. Thị trấn Okuma ghi nhận 6% cư dân cũ quay trở lại sinh sống.

Các cuộc khảo sát hàng năm cho thấy phần lớn người sơ tán không có ý định trở về nhà với lý do thiếu việc làm, mất các cơ sở công và trường học, cũng như lo ngại về phóng xạ.

Các thị trấn bị thiên tai, bao gồm cả các thị trấn ở quận Iwate và Miyagi, chứng kiến dân số giảm mạnh. Thống đốc Fukushima Masao Uchibori cho biết ông hy vọng ngày càng nhiều người quay trở lại Fukushima để mở doanh nghiệp hoặc hỗ trợ tái thiết.

Xử lý nước ô nhiễm và mối lo về hải sản

Tháng 8/2023, Fukushima Daiichi đã bắt đầu xả nước đã qua xử lý ra biển và hiện đang xả lô nước đã qua xử lý thứ tư nặng 7.800 tấn. Đến nay, kết quả lấy mẫu nước biển hàng ngày đều đạt tiêu chuẩn an toàn.

Kế hoạch này vấp phải sự phản đối của ngư dân địa phương và các nước lân cận, đặc biệt là Trung Quốc, nước đã cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản.

Kể từ năm 2011, Fukushima Daiichi đã phải vật lộn với quá trình xử lý nước ô nhiễm. Nước làm mát ô nhiễm được bơm lên, xử lý và lưu trữ trong khoảng 1.000 bể chứa. Chính phủ và TEPCO cho biết nước được pha loãng với lượng lớn nước biển trước khi thải ra ngoài, khiến nước này an toàn hơn tiêu chuẩn quốc tế.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào ngày 24/8/2023, ngay sau khi nhà điều hành TEPCO bắt đầu xả lô nước phóng đã qua xử lý đầu tiên ra Thái Bình Dương. Ảnh: Kyodo News

Bất chấp những lo ngại về việc xả nước sẽ gây tổn hại cho ngành đánh bắt cá, danh tiếng về hải sản Fukishima vẫn nắm giữ một vị trí nhất định trong mắt người dân Nhật Bản.

Lệnh cấm hải sản Nhật Bản của Trung Quốc, chủ yếu ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu sò điệp ở Hokkaido, dường như đã thúc đẩy người tiêu dùng Nhật Bản ăn nhiều hải sản Fukushima hơn.

Hoạt động đánh bắt cá ở Fukushima trở lại hoạt động bình thường vào năm 2021 nhưng sản lượng đánh bắt tại địa phương hiện chỉ bằng 1/5 mức trước thảm họa do số lượng ngư dân sụt giảm và quy mô đánh bắt nhỏ hơn.

Việc lấy mẫu và giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng đã nâng cao niềm tin vào cá địa phương. Nhật Bản đã dành 10 tỷ yên (680 triệu USD) để hỗ trợ nghề cá ở Fukushima.

Có tiến triển gì trong việc loại bỏ nhiên liệu phóng xạ nóng chảy không?

Bên trong 3 lò phản ứng phần lớn vẫn còn là một bí ẩn. Người ta biết rất ít về tình trạng nhiên liệu phóng xạ nóng chảy hoặc vị trí chính xác của nó trong lò phản ứng. Các tàu thăm dò robot đã nhìn thoáng qua bên trong 3 lò phản ứng, nhưng cuộc điều tra đã bị cản trở bởi lỗi kỹ thuật, bức xạ cao và các trục trặc khác.

Khoảng 880 tấn nhiên liệu hạt nhân nóng chảy vẫn còn bên trong 3 lò phản ứng bị hư hỏng. Các quan chức Nhật Bản cho biết việc loại bỏ chúng sẽ mất 30 - 40 năm.

Điều quan trọng là phải nắm được dữ liệu của các nhiên liệu nóng chảy để có thể lập kế hoạch loại bỏ nó một cách an toàn. TEPCO đặt mục tiêu lấy mẫu đầu tiên vào cuối năm nay từ lò phản ứng số 2 bị hư hại ít nhất.

Đại diện TEPCO giới thiệu những bức ảnh được chụp bởi một con tàu thăm dò robot bên trong một trong 3 lò phản ứng. Ảnh: AP

TEPCO đã cố gắng lấy mẫu bằng cách đưa cánh tay robot vượt qua đống đổ nát và hy vọng đến tháng 10 họ có thể sử dụng một thiết bị đơn giản hơn trông giống như cần câu.

Nhiên liệu trong lò phản ứng số 1 bị hư hỏng nặng nhất hầu hết đã rơi từ lõi xuống đáy thùng chứa chính của nó. Một số đã xuyên qua và trộn lẫn với nền bê tông, khiến việc loại bỏ trở nên vô cùng khó khăn.

Hoài Phương (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-chua-ro-ben-trong-lo-phan-ung-hat-nhan-fukushima-sau-13-nam-tham-hoa-post287619.html