Văn Chấn đẩy mạnh giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

Huyện Văn Chấn xác định đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Mai Mộng Tuân (thứ 2, phải sang) kiểm tra việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã Tân Thịnh, góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Mai Mộng Tuân (thứ 2, phải sang) kiểm tra việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã Tân Thịnh, góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

>> Văn Chấn phát huy hiệu quả Dự án giảm nghèo

Huyện Văn Chấn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 so với năm 2023 trên 4,9%/năm; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo trên 1,0%/năm.

Ông Trần Đình Tứ - Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Năm 2024, huyện Văn Chấn phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,56%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%.

Huyện cũng đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 2.730 lao động trong năm 2024. Trong đó, từ phát triển kinh tế - xã hội địa phương 610 lao động; từ vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm 120 lao động; xuất khẩu lao động 240 lao động; cung ứng lao động đi tỉnh ngoài 1.760 lao động. Chuyển dịch 1.200 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Năm 2024, phấn đấu số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề là 520 người; số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm 676 người và chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là 145 người.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện Văn Chấn tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh việc phối hợp, liên kết với các cơ sở dạy nghề, công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, nhất là những ngành nghề có lợi thế của huyện.

Phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, thu hút học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ, đặc biệt là trình độ cao đẳng và trung cấp. Tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chú trọng giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; hỗ trợ người lao động tìm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập của người lao động, thu hút đầu tư, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện.

Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động; tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề, công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong công tác đào tạo nghề, tuyển dụng lao động trên địa bàn.

Huyện cũng tăng cường công tác phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng là lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số, học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ; đối tượng là người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, vay vốn để sản xuất kinh doanh, vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm theo quy định.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, chú trọng xuất khẩu lao động có trình độ chuyên môn, hướng tới các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Đặng Duy Hiển cho biết: Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng toàn diện, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới giảm nghèo bền vững, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục dựa trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế, lựa chọn ngành mũi nhọn để ưu tiên đào tạo, việc đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, phải đảm bảo cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Cùng với việc dựa trên cơ sở nhu cầu học nghề của lao động ở nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của các cơ sở sản xuất kinh doanh và thị trường lao động trong và ngoài huyện. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo có uy tín tham gia đào tạo nghề cho cho lao động nông thôn.

Đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/319381/van-chan-day-manh-giai-quyet-viec-lam-de-giam-ngheo-ben-vung.aspx