Văn Cao - một chân dung lớn

Nói Văn Cao, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh của ông, mà ngay từ 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến, và chịu ơn.

Bởi ông là tác giả của Tiến quân ca, sau trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám 1944 ở Tân Trào, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Kể từ ấy, Quốc ca đã vang lên trong ngày 17.8.1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2.9.1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

Kể từ bấy đến nay, biết bao nhiêu thế hệ công dân Việt, thuộc tất cả các lứa tuổi, không ai không thuộc nằm lòng Tiến quân ca, như tiếng gọi của non sông Việt, và cũng là của chính tấm lòng mình, bởi nó là một sức mạnh tinh thần không gì đo đếm được, không có bút mực nào tả xiết được, nói lên sức mạnh vô biên, bất tận của dân tộc Việt Nam trước mọi thử thách trong hàng nghìn năm lịch sử.

Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền Quốc ca cho Tổ quốc, một nghĩa cử vĩ đại mà mỗi công dân Việt như chúng ta cần biết điều này để thấy rằng, nếu thực hiện chế độ bản quyền thì chỉ riêng nhuận bút của Tiến quân ca đủ đưa Văn Cao lên hàng tỷ phú trong khi đời sống riêng của ông cho đến khi qua đời vẫn trong cảnh thanh bạch khó khăn.

Phút suy tư của nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng, ngày 23.11.1992. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Như vậy là chỉ riêng Tiến quân ca đủ làm nên một tên tuổi, một sự nghiệp lớn của Văn Cao trong thế giới âm nhạc. Thế nhưng đây chỉ là một điểm nhấn. Bởi sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao còn phải ngược lên dăm năm trước 1945, trong tư cách một tác gia lớn trong thế giới tân nhạc, với Buồn tàn thu, Thiên thai, Bến xuân, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt... mà chỉ riêng mỗi tác phẩm cũng đủ làm vinh quang cho bất cứ ai.

Còn về sau Tiến quân ca? Đó còn là hoặc càng là một sự nghiệp còn lớn hơn, trên một hành trình dài với rất nhiều nguồn mạch, tỏa ra nhiều hướng, soi vào đấy - là cả một giàn giao hưởng của đời sống kháng chiến, với Bắc Sơn, và Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam; với Làng tôi Ngày mùa; với Hải quân Việt NamKhông quân Việt Nam, với Trường ca Sông Lô Tiến về Hà Nội; và với Ca ngợi Hồ Chủ tịch… Tất cả tràn ngập âm hưởng hào hùng, lạc quan, giàu sức khám phá và khả năng tiên tri về công cuộc kháng chiến và hành trình dân tộc…

Sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của Văn Cao còn nối dài đến 1975 với tác phẩm Mùa xuân đầu tiên như một sự đón đợi kỳ diệu niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam Bắc sau 20 năm bị chia cắt; dẫu phải đến thập niên 1990 công chúng mới được biết đến.

Như vậy nói âm nhạc của Văn Cao là nói một sự nghiệp ở tầm cao, rất cao của một tài năng lớn; tôi chỉ có thể gợi dẫn đôi điều trong tư cách một công dân Việt có vinh dự được sống cùng thời với ông để ngưỡng mộ và chịu ơn ông.

Bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn mà cả dân tộc phải chịu ơn, nói Văn Cao còn là nói đến một nhà thơ lớn - mà tôi không phải phân vân khi chọn từ này, bởi ông là tác giả của không ít bài thơ làm tổ được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, ít ra là thế hệ tôi. Không nói đến chất thơ thấm đẫm trong nhiều nhạc phẩm thời Tân nhạc trước 1945, sau một số bài thơ rất được người đọc nhớ và thuộc trước 1945 như Quê lòng, Đêm mưa, Ai về Kinh Bắc, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Văn Cao bỗng rất ấn tượng trong bài Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc, ra đời đúng thời điểm tháng Tám - 1945, ghi nhận rất kịp thời thảm cảnh hai triệu người dân Việt chết đói; để cùng với những trang văn trong Địa ngục của Nguyên Hồng và ảnh của Võ An Ninh mà làm nên một Bảo tàng chứng tích tội ác của chủ nghĩa thực dân và ơn đổi đời của Cách mạng tháng Tám...

Là trường ca Những người trên cửa biển với câu mở đầu “Sinh ra tôi đã có Hải Phòng” mà người dân Hải Phòng hiếm ai không nhớ; tựa như nhớ về Bà Huyện Thanh Quan trong bài Qua đèo Ngang. Bên nhiều bài lẻ, Văn Cao còn có cả một tập thơ có tên viết âm thầm trong những năm khó khăn do sự kiện Nhân văn - Giai phẩm mà ông vướng phải, kéo dài từ 1956 đến 1986.

Một số minh họa bìa sách của Văn Cao có chữ Văn trên góc nhỏ. Ảnh: TL

Sau thơ, còn là văn - là văn xuôi, với các truyện ngắn mà một số đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy - năm 1943, như Dọn nhà, Siêu nước nóng… góp một sắc màu riêng vào trào lưu văn học hiện thực cuối mùa bên Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Nguyễn Đình Lạp…

Và - chưa phải là cuối cùng, Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước 1945, với các bức tranh có tên Thái Hà ấp đêm mưa, Cuộc khiêu vũ của những người tự tử trong một triển lãm nghệ thuật năm 1943. Chính tư chất họa sĩ tài hoa đã “cứu” Văn Cao trong suốt 30 năm hoạn nạn. Ông không thể hoặc không được phép làm nhạc, làm thơ, mà chỉ có thể được vẽ để kiếm sống bằng các tranh minh họa cho báo, sách và làm bìa cho sách; và tôi nhớ, vào những năm ấy, tác giả nào được Văn Cao vẽ bìa cũng đều rất vui sướng và hãnh diện, vì sự sáng tạo và nét tài hoa qua chữ Văn trên một góc nhỏ của trang bìa.

Bấy nhiêu điều về một nghệ sĩ lớn, với đóng góp trên nhiều lĩnh vực thơ văn, nhạc, họa; và ở lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, hoặc để lại dấu ấn sâu đậm như Văn Cao, tôi - một công dân Việt bình thường, chỉ có thể nói được đôi điều, với sự ngưỡng mộ và tấm lòng biết ơn. Để có thể phác dựng hoặc đi sâu vào sự nghiệp đó cần các chuyên gia trên từng lĩnh vực, và tôi rất chờ đợi, rất mong được đọc, được học trong dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh Văn Cao vào 15 tháng 11 năm 2023 này.

Phong Lê

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/van-cao-mot-chan-dung-lon-40769.html