Văn Bàn chú trọng trồng rừng

Những năm gần đây, huyện Văn Bàn luôn dẫn đầu về tiến độ, chỉ tiêu trồng rừng. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự năng động, nhạy bén của người dân.

Nhận thấy lợi ích kinh tế lâm nghiệp mang lại, ngay từ những ngày đầu năm nay, gia đình bà Sùng Thị Sua, thôn Nậm Mả, xã Nậm Mả đã phát dọn thực bì, đào hố và chuẩn bị cây giống, phân bón. Việc gia đình bà Sua tự đầu tư mua cây giống, phân bón trồng rừng mà không trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước là sự thay đổi nhận thức hoàn toàn so với 5 năm trước.

Bà Sua cho biết: Năm 2017, sau nhiều lần chính quyền đến vận động, gia đình tôi miễn cưỡng chuyển đổi 1 ha đất trồng sắn, ngô kém hiệu quả sang trồng quế. Sau 5 năm, cây quế cho tỉa lá, cành, mang lại cho gia đình hơn 50 triệu đồng, khi quế đến kỳ khai thác, nguồn thu sẽ cao hơn nhiều lần con số này. So sánh hiệu quả kinh tế thì trồng quế cho thu nhập cao và nhàn hơn trồng ngô, sắn. Gia đình đã tự đầu tư tiếp tục trồng quế, đến nay toàn bộ diện tích đất nương đồi của nhà tôi đã được phủ xanh bằng loại cây này.

Phong trào trồng rừng kinh tế tại xã Nậm Mả phát triển mạnh khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, đến nay xã Nậm Mả hiện có gần 300 ha quế, diện tích này chủ yếu được người dân chuyển đổi từ đất trồng sắn, ngô kém hiệu quả.

Ông Triệu Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Mả cho biết: Để có được sự thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ canh tác nương sang trồng rừng như hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền xã và các thôn đã kiên trì, tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong nhiều năm. Năm 2022, xã được giao trồng mới 75 ha rừng kinh tế và thực hiện vượt 22% so với kế hoạch. Năm 2023, xã tiếp tục trồng mới 45 ha rừng kinh tế, phấn đấu vượt khoảng 20% so với kế hoạch.

Tại xã Nậm Tha, trồng rừng kinh tế đã trở thành nghề chính của đa số hộ. Nhà nhà trồng rừng, hộ ít cũng có một vài ha, hộ nhiều lên đến vài chục ha rừng. Hiện xã có hơn 3.000 ha rừng, chủ yếu là cây quế, bồ đề. Trung bình mỗi năm, người dân xã Nậm Tha khai thác, tỉa thưa hơn 50 ha quế, thu về từ 8 - 10 tỷ đồng.

Gia đình ông Ngô Xuân Bình, thôn Khe Cóc là hộ điển hình về trồng rừng ở Nậm Tha. Nhiều năm kiên trì cải tạo đất trống, đồi núi trọc, đến nay gia đình ông có gần 70 ha rừng trồng, chủ yếu là quế, keo.

Những ngày đầu trồng rừng rất vất vả, lại chưa có thu nhập, tôi phải động viên các thành viên trong gia đình kiên trì, quyết tâm vượt khó. Hiện mỗi năm gia đình thu hơn 400 triệu đồng từ rừng trồng. Trước đây, mình bỏ tiền nhà ra “nuôi” rừng, giờ đây rừng “nuôi” cả nhà…

Ông Ngô Xuân Bình, thôn Khe Cóc, xã Nậm Tha.

Những năm gần đây, công tác phát triển rừng của huyện Văn Bàn luôn vượt cao so với kế hoạch, đơn cử như năm 2022, huyện trồng mới hơn 1.800 ha rừng, vượt 25% so với kế hoạch. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị trồng rừng từ sớm, tránh thời điểm nắng nóng (từ quý IV của năm trước); rà soát lại toàn bộ diện tích đất trồng rừng, tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn hướng dẫn người dân xử lý thực bì, cuốc hố…

Năm 2023, huyện Văn Bàn có kế hoạch trồng mới 1.000 ha rừng, đến hết tháng 3, toàn huyện trồng mới được gần 400 ha, đạt 40% kế hoạch năm. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân xử lý thực bì từ nay đến giữa quý III, phấn đấu đến giữa quý IV hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm.

Ông Nguyễn Công Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Những năm gần đây, phát triển lâm nghiệp đang trở thành điểm nhấn quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Huyện Văn Bàn đã hình thành vùng sản xuất cây lâm nghiệp tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ, như vùng trồng bồ đề gần 1.000 ha tại các xã: Tân An, Nậm Tha, Liêm Phú, Chiềng Ken có liên kết với doanh nghiệp để khai thác nhựa, gỗ nguyên liệu sản xuất giấy và ván bóc; vùng trồng quế hơn 8.000 ha tại tất cả các xã, thị trấn gắn với 2 nhà máy chế biến quế đặt tại xã Liêm Phú và xã Nậm Dạng. Chuỗi liên kết trong sản xuất lâm nghiệp được đẩy mạnh, trong đó chú trọng gắn doanh nghiệp với hoạt động sản xuất của người dân.

Huyện Văn Bàn phấn đấu mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị thu nhập trên 1 ha rừng từ 34 triệu đồng (năm 2022) lên 40 triệu đồng (năm 2025) và trên 50 triệu đồng (năm 2030). Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là lĩnh vực chế biến lâm sản và các sản phẩm từ cây quế, góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/van-ban-chu-trong-trong-rung-post367151.html