Vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng

Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu được giao quản lý gần 26.500 ha, trong đó, trên 14.000 ha rừng phòng hộ, hơn 12.400 ha rừng đặc dụng, nằm trên địa bàn 11 xã của huyện Thuận Châu và 5 xã của huyện Quỳnh Nhai.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu hướng dẫn nhân dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Chiềng Bôm.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu hướng dẫn nhân dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Chiềng Bôm.

Giữ vững vai trò nòng cốt, đơn vị luôn nỗ lực tăng cường quản lý, phối hợp với chính quyền các địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, duy trì sự sinh tồn và phát triển rừng.

Với vùng đất đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng và động, thực vật, diện tích rừng này tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết và nỗ lực của chính quyền các địa phương, cộng đồng và các tổ chức bảo vệ môi trường, đã đạt kết quả tích cực trong việc bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Một trong những kết quả đạt được đó là việc hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng. Theo đó, đơn vị đã hỗ trợ cho 41 cộng đồng bản vùng đệm rừng đặc dụng Copia, với số tiền 40 triệu đồng/bản/năm.

Từ đầu năm đến nay, Ban đã hoàn thành việc hỗ trợ theo nhu cầu của các cộng đồng, trong đó hỗ trợ giống cây ăn quả cho 36 hộ và vật liệu điện chiếu sáng, đường bê tông cho 5 hộ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã tăng cường công tác giám sát và kiểm soát việc khai thác rừng. Thông qua hoạt động của các trạm kiểm lâm và áp dụng công nghệ theo dõi từ xa, như qua hệ thống vệ tinh, chính quyền địa phương có thể giám sát tình hình rừng hiệu quả hơn, từ đó ngăn chặn những hoạt động khai thác trái phép và bảo vệ những khu rừng quan trọng.

Đơn vị đã phát hiện 2 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó, 1 vụ phá rừng trái pháp luật tại bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, đã chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định; 1 vụ khai thác rừng trái pháp luật tại xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, cũng đã chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai làm tốt công tác bảo vệ rừng, xây dựng và phát triển phần rừng đặc dụng, phòng hộ qua các loại hình: Khoán bảo vệ rừng đến 67 cộng đồng bản, nhóm hộ các đồng bào dân tộc sống gần rừng. Chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hàng năm; kiểm tra thường xuyên và đột xuất 3 đợt/tuần. Đã tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực lâm nghiệp tới 65 cộng đồng bản, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng với ban quản lý. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 11 cuộc tuyên truyền cấp xã cho 250 lượt người; 60 cuộc tuyên truyền cấp bản; hơn 5.000 hộ ký cam kết bảo vệ rừng.

Đã triển khai ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 giữa Ban quản lý và các cộng đồng bản, tổ chức trên địa bàn diện tích rừng được giao quản lý. Ký kết hợp đồng nguyên tắc bảo vệ rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 với 65 cộng đồng dân cư thuộc 11 xã, với diện tích khoảng 18.862 ha. Từ đầu năm đến nay, Ban đã chi trả 30% số tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022, với trên 2,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư ở vùng có rừng cũng đóng góp tích cực vào việc bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Qua việc tham gia các chương trình giáo dục môi trường và được hưởng lợi từ các dự án bảo vệ rừng, nhân dân đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và sẵn sàng tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự bền vững cho việc bảo tồn rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Xã Co Mạ có trên 7.750 ha rừng, trong đó, gần 4.300 ha rừng đặc dụng, hơn 1.740 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, phòng cháy, chữa cháy rừng, diện tích rừng của xã luôn được bảo vệ và phát triển tốt.

Anh Thào A Súa, Quyền Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hằng năm, xã phối hợp với các ngành chức năng, Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không phá rừng làm nương, không khai thác lâm sản trái phép; tổ chức cho các hộ ký cam kết chấp hành việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh; chỉ đạo các bản quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.

Nhân dân bản Lão Hả, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, nhận giống cây mắc ca để trồng.

Nhân dân bản Lão Hả, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, nhận giống cây mắc ca để trồng.

Khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ và đối mặt với việc xâm hại rừng, khai thác lâm sản trái phép, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu tiếp tục đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng chống cháy rừng. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hợp đồng nguyên tắc bảo vệ rừng, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đối với cộng đồng bản, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa để bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/vai-nong-cot-trong-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-dac-dung-ZMCr79C4g.html