Vai trò mới của các hợp tác xã nông nghiệp

Hiện nay, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các ngành nghề. Các HTX thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

Bà con hợp tác xã Nông sản an toàn xã A Ngo đang thu hoạch bắp cải

Bà con hợp tác xã Nông sản an toàn xã A Ngo đang thu hoạch bắp cải

Toàn tỉnh hiện có 227 HTX nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó có 200 HTX dịch vụ nông nghiệp, bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, thủy sản, dược liệu...

Thời gian qua, các HTX gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao, trong lúc giá một số sản phẩm nông nghiệp không tăng đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều HTX tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Ghé thăm HTX Sản xuất kinh doanh Nông sản an toàn xã A Ngo, huyện A Lưới, tôi được tham quan mô hình trồng nông sản sạch với hơn 20ha trồng chuối già lùn và 1ha trồng các loại rau củ quả như rau cải, mùng tơi, hành lá, khoai lang, cà chua… Tất cả đều tuân thủ theo quy trình VietGAP, nhờ đó, doanh thu đạt 360 triệu đồng/năm. Các sản phẩm nông sản đủ cung ứng cho thị trường trong tỉnh tiêu thụ.

Thành lập năm 2018 với 8 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã có 48 thành viên thường xuyên, góp phần giải quyết việc làm cho người dân vùng cao, mang lại nguồn kinh tế ổn định với mức thu nhập bình quân 36 triệu đồng/năm/người.

Bà Hồ Thị Nga, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh Nông sản an toàn xã A Ngo cho biết, tuy bước đầu còn khó khăn về cơ sở vật chất, máy móc sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản còn nhiều hạn chế, nhưng được các cơ quan ban ngành quan tâm, hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật trong trồng trọt… HTX hiện đã có vị thế trong sản xuất và kinh doanh mặt hàng nông sản trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, HTX đang tiếp tục triển khai quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hướng đến phát triển đầu ra của sản phẩm cho các thị trường trong ngoại tỉnh.

Ngoài các dịch vụ phục vụ cho sản xuất lúa và chăn nuôi, nhiều HTX đã duy trì và phát triển một số dịch vụ mới như: Dược liệu, canh tác công nghệ cao, hữu cơ... góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.

Trong những năm gần đây, nhiều HTX về dược liệu được thành lập tại các huyện vùng cao nhằm tiếp cận các chính sách thụ hưởng của các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điển hình như HTX Nông nghiệp Dược liệu Hồng Bắc, xã Hồng Bắc, A Lưới; HTX Dược liệu An Phát, xã Phong Xuân, Phong Điền… góp phần thúc đẩy kinh tế tại các huyện miền núi phát triển.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nguyễn Văn Hùng cho biết, hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

“Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển”, ông Hùng cho hay.

Bài, ảnh: Bạch Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/vai-tro-moi-cua-cac-hop-tac-xa-nong-nghiep-135220.html