Vai trò 'hạt nhân' trong phát triển công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel

Với lộ trình và kế hoạch bài bản, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đang từng bước khẳng định vai trò nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) công nghệ cao và đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm quân sự đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.

Phóng viên (PV): Trở thành “hạt nhân” của tổ hợp CNQP công nghệ cao là khát vọng của Viettel. Vậy khát vọng đó đang được hiện thực hóa như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Xây dựng tổ hợp CNQP là giải pháp chiến lược, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đồng thời được xác định trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của một số cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây, các nước đều tăng cường năng lực tự chủ, huy động các nguồn lực tham gia phát triển CNQP.

 Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham quan sản phẩm công nghệ cao của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, tháng 2-2023.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham quan sản phẩm công nghệ cao của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, tháng 2-2023.

Tham gia vào lĩnh vực CNQP từ năm 2010, Viettel luôn mang trong mình những khát vọng phải làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) công nghệ cao để đóng góp cho đất nước, cho Quân đội. Đến nay, Viettel đã đạt được những kết quả bước đầu trong sản xuất, cung cấp trang bị quân sự công nghệ cao, góp phần giúp một số đơn vị tiến thẳng lên hiện đại, nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, tăng cường khả năng tự chủ, tiết kiệm ngân sách nhà nước trong nhập khẩu trang bị quân sự.

Cùng với đó, Viettel đã từng bước xây dựng được tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho phát triển CNQP và công nghiệp quốc gia; xác định được hướng đi mới trong phát triển CNQP, như: Phát huy nguồn lực doanh nghiệp; doanh nghiệp chủ động đề xuất nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đặt hàng nghiên cứu và mua sắm sản phẩm; tự chủ trong nghiên cứu thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống, làm chủ các công nghệ lõi, chỉ hợp tác chuyển giao công nghệ thành phần.

Viettel đã tạo được niềm tin cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về việc người Việt Nam làm chủ được các VKTBKT công nghệ cao và được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong phát triển CNQP công nghệ cao. Lĩnh vực CNQP đã có đóng góp lớn trong kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Viettel, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Những kết quả trên là cơ sở quan trọng để xây dựng Viettel trở thành “hạt nhân” của tổ hợp CNQP công nghệ cao kết hợp cùng các cơ sở nghiên cứu, cơ sở CNQP, các doanh nghiệp công nghiệp... phát triển CNQP theo hướng “chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại” đã được Bộ Chính trị xác định.

PV: Đâu là nguyên nhân của sự thành công trên, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Nguyên nhân thành công bước đầu về phát triển CNQP công nghệ cao của Viettel trước hết là luôn được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự đoàn kết, quyết tâm của Tập đoàn. CNQP gắn liền và có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quốc phòng của quốc gia, vì vậy cần có sự định hướng dài hạn, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành liên quan, cũng như sự quyết tâm, kiên trì thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Viettel luôn sẵn sàng, dám nhận và đặt ra những mục tiêu thách thức đối với các nhiệm vụ mới và khó mà Đảng, Chính phủ, Quân đội tin tưởng giao trong những năm qua. Việc dám nhận và đặt ra các mục tiêu khó, nhiều thách thức đã tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Viettel tinh thần dám đối diện với thách thức, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu càng thách thức, càng khó khăn sẽ càng kích thích sự sáng tạo và tìm ra cách làm đột phá. Để phát triển CNQP cần hợp tác để phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong và ngoài Quân đội; phải thu hút và sử dụng được nhân lực và tri thức ở cả trong và ngoài nước. Vì vậy, để phát triển CNQP công nghệ cao, cần tư duy theo hướng mở, quy tụ và tăng cường các nguồn lực mới từ bên ngoài. Đó cũng là hướng đi mà Viettel đang thực hiện.

Bên cạnh đó, Viettel cũng đã chủ động phát huy thế mạnh của một doanh nghiệp công nghệ về nhân lực, về hợp tác quốc tế, về nguồn quỹ phát triển khoa học-công nghệ. Do vậy, khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, Viettel đã phát huy tốt các thế mạnh của mình trong nghiên cứu làm chủ vũ khí công nghệ cao.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết mục tiêu của Viettel về phát triển CNQP công nghệ cao thời gian tới là gì?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn những năm tiếp theo, Viettel hướng tới mục tiêu tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất một số dòng VKTBKT công nghệ cao chiến lược, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị. Trong đó tập trung xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại và CNQP phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại, tham gia bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện chiến lược trên, Viettel đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, phấn đấu lọt vào nhóm các doanh nghiệp quốc phòng lớn của thế giới.

PV: Cơ sở nào để Viettel đặt ra mục tiêu như vậy, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Về mục tiêu tự chủ trong nghiên cứu sản xuất một số dòng vũ khí, khí tài công nghệ cao chiến lược. Thứ nhất, nền tảng là vị thế đất nước không ngừng được nâng cao, công cuộc phát triển đạt được các thành tựu mới. Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương về phát triển CNQP trên cơ sở đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Thứ ba, Viettel hiện nay đã đạt được những thành công nhất định trong tự chủ nghiên cứu, phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ cho sản xuất quy mô công nghiệp một số dòng VKTBKT công nghệ cao chiến lược. Thứ tư, như tôi đã nói ở trên, Viettel có nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất chất lượng cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại để có thể triển khai toàn trình và đi đến đích cuối cùng trong nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNQP công nghệ cao.

Về mục tiêu đạt vị thế trên thế giới, Viettel có một số thuận lợi để thực hiện. Hiện nay, Viettel được tin tưởng nghiên cứu, sản xuất, cung cấp sản phẩm CNQP công nghệ cao cho Quân đội; đồng thời với quy mô dân số nước ta khoảng 100 triệu dân, cùng với tăng trưởng kinh tế quốc gia ổn định, thị trường dân sự trong nước cũng sẽ là yếu tố quan trọng để Viettel từng bước áp dụng các công nghệ lưỡng dụng nhằm cung cấp các sản phẩm cho thị trường dân sự, đây là cơ hội rất lớn để Viettel tích lũy nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ tạo ra nền tảng vững chắc để Viettel từng bước vươn ra quốc tế.

PV: Đồng chí có thể cho biết quan điểm và cách làm của Viettel đối với nghiên cứu, sản xuất sản phẩm lưỡng dụng, kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Thời đại hiện nay, các công nghệ mới nhất, công nghệ cao nhất luôn có thể được dùng chung cho cả dân sự và quân sự nên các tập đoàn CNQP trên thế giới tăng cường phát triển sản phẩm lưỡng dụng, kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế. Viettel xác định, phát triển sản phẩm lưỡng dụng là xu hướng tất yếu và cũng là hướng đi chủ đạo của Tập đoàn hiện nay cũng như trong tương lai.

Việc nghiên cứu, sản xuất sản phẩm lưỡng dụng, kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế là góp phần thực hiện định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Để thực hiện việc đó, Viettel tập trung vào: Thứ nhất, tạo môi trường đổi mới sáng tạo sôi động, thu hút và phát huy khả năng của đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học giỏi từ các trường trong và ngoài nước để nghiên cứu phát triển các công nghệ và sản phẩm lưỡng dụng. Đó là cách phát triển nguồn lực nhanh và hiệu quả nhất, đáp ứng cả phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần phát huy triệt để. Thứ hai, tiếp tục đề xuất và sẵn sàng nhận các nhiệm vụ mới, khó của Quân đội, Chính phủ giao (công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo) là động lực phát triển bền vững về năng lực nghiên cứu phát triển lưỡng dụng. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực dân sự, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về công nghệ cao và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm dân sự, quân sự để nâng tầm thương hiệu và hiệu quả kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vai-tro-hat-nhan-trong-phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-cong-nghe-cao-cua-viettel-746543