Vải thiều Việt định danh thương hiệu ở trời Tây

Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, vụ vải thiều năm nay đang dần khép lại với nhiều kết quả ấn tượng trong sản xuất và tiêu thụ. Trong đó phải kể đến nhiều thị trường khó tính đã 'mạnh tay' nhập vải thiều từ Việt Nam, với giá khá cao.

Có thể thấy nhờ việc đẩy mạnh trồng theo tiêu chuẩn chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... sản phẩm vải thiều của người nông dân, hợp tác xã đã bắt đầu "hái trái ngọt".

Cạnh tranh tốt so với đối thủ

Mặc dù dịch COVID-19 tác động rất lớn tới đầu ra của sản phẩm nông sản. Song HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) đã có thị trường ổn định nhờ đẩy mạnh trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Úc.

Vải thiều Việt Nam thu hút đông đảo người tiêu dùng thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa, cho biết năm 2020, HTX có chưa đến 10 ha thì nay diện tích đã có 15 ha được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, với sản lượng dự kiến đạt 170 tấn. Theo đó, HTX đã nhận được đơn đặt hàng từ các DN để xuất khẩu sang Nhật Bản.

"Trồng vải xuất khẩu Nhật Bản, châu Âu đòi hỏi khắt khe trong khâu chăm sóc, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng rất ít. Bù lại giá bán vải luôn cao hơn từ 30-40% so với thị trường", ông Thiết chia sẻ.

Nhờ mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang đã chinh phục được những người tiêu dùng khó tính nhất. Tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 được cộng đồng người Việt tại Pháp tổ chức tại quảng trường trung tâm Paris mới đây, vải thiều và nhiều nông sản khác của Việt Nam đã được giới thiệu và thu hút đông đảo người tiêu dùng. Nhiều khách hàng Pháp lần đầu tiên được nếm trái vải Việt Nam và khẳng định “ngon hơn hẳn” với trái vải Madagascar mà họ vốn quen thuộc.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị cho sự kiện này, nhưng ông chủ của hệ thống siêu thị Á Châu, đơn vị nhập khẩu vải thiều chính ngạch vào Pháp, cho biết vô cùng vui mừng nhưng có phần “tiếc” vì lô vải mà ông mang ra đã được bán hết trước khi sự kiện kết thúc. “Đơn hàng vải thứ 2 của chúng tôi vừa được thông quan ngày 17/6, tuy nhiên, tôi đang thu xếp để tiếp tục đặt đơn hàng thứ 3 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông chia sẻ thêm.

Hay tại Hà Lan, bà Vân Anh, chủ siêu thị Thanh Hùng cho hay, siêu thị của mình đã kinh doanh vải Trung Quốc từ nhiều năm nay với chất lượng không bằng vải Việt Nam và có mức giá khoảng 22-25 Euro/kg nhưng vẫn có người mua. Quả vải tươi Việt Nam được giới thiệu tới khách hàng lần này với giá 18 Euro/kg chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người mua", bà Vân Anh chia sẻ.

'Đòn bẩy' cho mục tiêu 44 tỷ USD của nông sản

Đại diện công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ cho biết, năm nay đã ký thêm được nhiều hợp đồng xuất khẩu từ đối tác mới. Mỗi thị trường, DN phát triển thêm từ 1-2 đối tác. Bên cạnh đó, đơn vị cũng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới là: Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan.

Theo báo cáo từ tỉnh Hải Dương, đến ngày 16/6, toàn tỉnh Hải Dương đã cơ bản thu hoạch xong các trà vải, sản lượng đạt khoảng 55.000 tấn. 60% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất sang các thị trường khó tính. Vải thu mua xuất khẩu có giá cao hơn từ 30-40% so với đại trà.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, sản lượng vải thiều vụ 2021 đạt hơn 300 nghìn tấn, việc đẩy mạnh tiêu thụ tới các thị trường khó tính đang mở rộng cơ hội lớn cho trái vải thiều Việt Nam.

Từ kết quả mà xuất khẩu vải thiều đã đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết mặc dù bị tác động lớn của đại dịch COVID-19, song ngành nông nghiệp vẫn đang phấn đấu để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2021 như đạt mức tăng trưởng khoảng 3%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%, kim ngạch xuất khẩu phải đạt 43-44%.

"Khó khăn nhiều, thách thức lớn nhưng phải hết sức bình tĩnh, nóng nhưng không vội để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo hiệu quả biến nguy thành cơ, từng bước phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu", ông Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần tập trung mở cửa thị trường, đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại cho nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch trên cơ sở theo dõi sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường đối tác, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP...

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên hình thành các DN, HTX ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bộ NN&PTNT cũng sẽ sớm trình Chính phủ, ban hành tổ chức thực hiện Nghị quyết về phát triển HTX nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thy Lê

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/vai-thieu-viet-dinh-danh-thuong-hieu-o-troi-tay-1079262.html