Vải phủ gốc cây - cách làm hiệu quả trong nông nghiệp

'Hạn chế cỏ dại, điều hòa độ ẩm, giữ cấu trúc mặt đất, giảm tỷ lệ rửa trôi dinh dưỡng; ngăn cản quá trình bốc hơi nên tiết kiệm chi phí về nước tưới, phân bón, hạn chế dùng thuốc trừ cỏ, công làm cỏ, tăng giá trị sản phẩm' - Đó là những lợi ích từ mô hình dùng vải nông nghiệp chuyên dùng để phủ xung quanh gốc cây ăn quả đang được triển khai thí điểm tại nhiều vườn cây trên địa bàn huyện Thuận Châu và Mai Sơn.

Công ty TNHH Thịnh Gia Huy, thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu về vải nông nghiệp chuyên dùng phủ gốc cây cho thành viên HTX Mé Lếch.

Công ty TNHH Thịnh Gia Huy, thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu về vải nông nghiệp chuyên dùng phủ gốc cây cho thành viên HTX Mé Lếch.

Thăm vườn na sầu riêng của gia đình anh Lò Văn Sao, thành viên HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, rộng hơn 6 ha. Vào mùa mưa, gia đình anh Sao phải thuê hàng chục nhân công làm cỏ, bón phân mỗi tháng. Thế nhưng, việc làm cỏ thủ công tốn sức và có nhiều hạn chế, như: Cỏ mọc nhanh, tác động của máy cắt cỏ hoặc dùng cuốc dễ gây tổn thương gốc, rễ cây na. Còn vào mùa khô, vùng đất này khá khan hiếm nước, trong khi đó, cây na yêu cầu phải tưới thường xuyên, nên gia đình anh Sao tốn nhiều chi phí để cung cấp đủ nước cho cây na.

Năm nay, được sự tư vấn, hỗ trợ của HTX Mé Lếch, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và Công ty TNHH Thịnh Gia Huy, thành phố Hồ Chí Minh, gia đình anh Sao đã áp dụng mô hình dùng vải nông nghiệp chuyên dùng để phủ gốc cho 1,5 ha na của gia đình. Quá trình phủ vải cho gốc cây rất đơn giản, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Công ty TNHH Thịnh Gia Huy, anh Sao đã nắm được kỹ thuật và tiến hành phủ gốc vườn na của gia đình.

Anh Sao cho biết: Mùa mưa, cỏ phát triển rất nhanh, mỗi tháng phải làm cỏ 2-3 lần, còn mùa khô, hằng ngày phải tưới nước 1 lần mới đảm bảo độ ẩm cho na phát triển. Sau khi áp dụng, tôi nhận thấy phương pháp này vừa hạn chế cỏ phát triển, vừa giữ ẩm cho gốc; vải có độ bền đến 3 năm, khi sử dụng vải phủ thì 3 đến 4 ngày mới phải tưới, so về chi phí thuê nhân công lao động, nước tưới, thì đây là biện pháp rất khả thi và tiết kiệm cho nhà vườn.

Cán bộ Công ty TNHH Thịnh Gia Huy hướng dẫn thành viên HTX Mé Lếch dùng vải nông nghiệp chuyên dụng phủ gốc cây na.

Cán bộ Công ty TNHH Thịnh Gia Huy hướng dẫn thành viên HTX Mé Lếch dùng vải nông nghiệp chuyên dụng phủ gốc cây na.

Trực tiếp kết nối, theo dõi toàn bộ quá trình triển khai phủ vải chuyên dùng cho vườn na của thành viên HTX, anh Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch, chia sẻ: Kỹ thuật phủ vải không khó, chỉ cần cắt vải vuông theo kích thước 1m, sau đó cắt dọc từ giữa một cạnh để lùa vào gốc cây và ghim chặt bốn góc vải là được. Chi phí vải phủ khoảng 5-6 triệu đồng/ha, độ bền 3 năm nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc thuê nhân công làm cỏ và tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi mặt đất được bảo vệ bởi lớp vải phủ đồng nghĩa với việc lượng phân bón trong đất sẽ không bị rửa trôi, giữ được khoáng chất và dinh dưỡng phân bón giúp cây trồng tăng trưởng tối ưu; đồng thời, hạn chế khả năng hoạt động của các loại côn trùng và động vật gặm nhấm.

HTX Mé Lếch hiện có 26 thành viên, cây trồng chủ lực là na với tổng diện tích 200 ha na các loại. Ông Nguyễn Hữu Tứ, chia sẻ thêm: Trên cở sở đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm của gia đình anh Lò Văn Sao, HTX sẽ tuyên truyền, vận động các thành viên HTX sử dụng vải để phủ gốc cho diện tích na sầu riêng, tiến tới phủ gốc toàn bộ diện tích na của HTX, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và mang đến cho thị trường những sản phẩm na chất lượng, an toàn với người tiêu dùng.

Sử dụng vải chuyên dùng để phủ cho cây thanh long tại HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Sử dụng vải chuyên dùng để phủ cho cây thanh long tại HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Còn tại địa bàn huyện Thuận Châu, HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu cũng đã mạnh dạn triển khai thí điểm dùng vải nông nghiệp chuyên dùng để phủ cho cây thanh long, chị Lò Thị Dưng, HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, chia sẻ: Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy việc sử dụng vải chuyên dùng để phủ cho cây ăn quả cón hiều ưu điểm. Trước mắt, chúng tôi sẽ sử dụng thí điểm để đánh giá mức độ hiệu quả đạt được, sau đó sẽ nhân rộng toàn bộ 13 ha thanh long ruột đỏ đang trồng theo quy trình VietGAP của HTX.

Chị Quàng Thị Phượng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, cho biết: Trên địa bàn huyện Thuận Châu đang thí điểm việc sử dụng vải chuyên dùng để phủ gốc cho cây thanh long và bưởi tại xã Chiềng Pha và Phổng Lái. Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình này, huyện sẽ nghiên cứu triển khai nhân rộng việc sử dụng vải phủ gốc cây cho các loại cây ăn quả trên địa bàn, đây là tiền đề để đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tưới nước cho cây na sau khi sử dụng vải phủ gốc cây.

Tưới nước cho cây na sau khi sử dụng vải phủ gốc cây.

Nói về những hiệu quả việc sử dụng vải địa phủ gốc cho cây ăn quả, ông Phạm Trọng Huy, Công ty TNHH Thịnh Gia Huy, cho biết: Đây là sản phẩm mới, công ty đã triển khai thực hiện tại huyện Bảo Lộc, Di Linh của tỉnh Lâm Đồng. Sau một thời gian áp dụng, bà con ở đây đánh giá rất cao, chi phí tiết kiệm và rất phù hợp với cây ăn trái. Tại tỉnh Sơn La, chúng tôi thí điểm hỗ trợ toàn bộ chi phí cho mô hình 1,5 ha tại HTX Mé Lếch, trên cơ sở người dân tự đánh giá hiệu quả mô hình này và sẽ nhân rộng. Công ty sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn và cung cấp vải phủ gốc cây chất lượng cho nông dân.

Với chủ trương phát triển nền nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, việc sử dụng vải phủ nông nghiệp cho cây trồng là cách làm hiệu quả, tiết kiệm chi phí, cần khuyến khích người dân áp dụng trong sản xuất, góp phần phát triển cây ăn quả một cách bền vững.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vai-phu-goc-cay--cach-lam-hieu-qua-trong-nong-nghiep-54325