Va quẹt xe, đã chi trả chi phí điều trị, có phải bồi thường tổn thất về tinh thần?

Ngoài bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì pháp luật còn quy định mức bồi thường tổn thất về tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm.

Thời gian trước, tôi có va quẹt xe với một người phụ nữ, lúc va quẹt tôi đưa người này đi bệnh viện và chăm sóc đến lúc xuất viện. Sau đó, người này tái khám thêm 3 lần nữa tôi cũng chăm sóc. Toàn bộ chi phí bệnh viện và tái khám tôi hoàn toàn chi trả, sau đó tôi nói với họ hai bên đến đây là kết thúc, tôi không còn trách nhiệm.

Tuy nhiên, người này hiện không đồng ý, bắt tôi phải bồi thường 60 triệu tổn thất về tinh thần.

Do lúc va quẹt xe hai bên thương lượng, không trình báo công an nên hiện giờ không có chứng cứ, giấy tờ. Người này hiện còn viết đơn kiện tôi ra Tòa, giờ tôi phải làm sao?

Bạn đọc NQ (TP.HCM)

Ảnh minh họa

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP. HCM trả lời, theo Điều 590 Bộ Luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

Thiệt hại khác do luật quy định.

Đồng thời, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, ngoài bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì pháp luật còn quy định mức bồi thường tổn thất về tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm.

Việc bên kia yêu cầu bồi thường khoản tiền 60 triệu để bồi thường tổn thất về tinh thần như trên là có căn cứ.

Theo đó, tại Nghị định 24/2023 quy định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng. Do đó, mức bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm là không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tương đương 90 triệu đồng.

Ngoài ra, căn cứ Điều 589 Bộ Luật dân sự 2015, bên kia có thể yêu cầu thêm một khoản thiệt hại do tài sản bị xâm phạm nếu họ chứng minh được thực tế có thiệt hại xảy ra.

Trong trường hợp này, anh/chị nên thỏa thuận với bên bị thiệt hại, nếu tình hình kinh tế hiện tại không thể chi trả khoản tiền bồi thường trên có thể xin giảm mức bồi thường theo khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của anh/chị.

Nếu không thỏa thuận được, bên kia sẽ khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, khi đó anh/chị cần chuẩn bị các tài liệu chứng minh đã chi trả cho bên kia việc khám, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe (tiền viện phí, tiền thuốc, khám chữa bệnh…).

Anh/chị cần chứng minh bằng các hóa đơn, phiếu khám chữa bệnh…Nếu chuyển khoản có thể sao kê các khoản tiền này, nếu đưa tiền mặt thì phải có ký nhận của bên người nhận hoặc có sự tham gia của người làm chứng.

Khi có đầy đủ căn cứ thì Tòa án sẽ thụ lý và tiến hành các thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ mời các bên lên hòa giải trên tinh thần thiện chí hợp tác, tự nguyện, đúng pháp luật. Nếu hòa giải không thành Tòa án sẽ xét xử nhằm đảm bảo quyền lợi các bên, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

VĂN THUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/va-quet-xe-da-chi-tra-chi-phi-dieu-tri-co-phai-boi-thuong-ton-that-ve-tinh-than-post766990.html