V.League làm được gì cho tuyển Việt Nam?

Đánh giá về tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2023 sẽ công bằng hơn nếu được đặt trong bức tranh chung có phần ảm đạm của V.League vài năm trở lại đây.

Thất bại trước Indonesia vừa qua đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng của tuyển Việt Nam ở giải châu Á. Đội bóng của HLV Philippe Troussier bị loại sớm một vòng và đang phải chịu vô số chỉ trích.

Tuy nhiên, trong khi chỉ trích tuyển Việt Nam, ta cũng cần đặt câu hỏi: Nền bóng đá, hay cụ thể là V.League, đã cung cấp hành trang gì cho đội tuyển trên đường ra châu lục? Đánh giá về tuyển Việt Nam sẽ chỉ công bằng nếu xem xét cả những nguồn lực mà HLV Troussier đã được cung cấp.

Được tập hợp từ một nhóm ngôi sao sẵn có, chơi theo phong cách phục vụ ngoại binh, CLB Công An Hà Nội vì thế đóng góp rất ít cho đội tuyển trên khía cạnh chiến thuật lẫn phát triển con người. Ảnh: Minh Chiến.

V.League tụt lại so với Đông Nam Á

Về chuyên môn, năng lực của V.League ở châu Á phải là thước đo đầu tiên. Hạng đấu số một của bóng đá Việt Nam từng tự hào khi CLB Hà Nội vào tới chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, chúng ta đã tụt lại ngay cả với Đông Nam Á.

Ba đại diện Việt Nam gần nhất dự AFC Champions League là CLB Viettel, HAGL và Hà Nội đều không qua nổi vòng bảng. Chiều ngược lại, các đội bóng Thái Lan đều đặn góp mặt ở vòng knock-out. Ngay cả Malaysia cũng có đại diện đi tiếp là Johor Darul Ta'zim hồi năm 2022.

Ngôi sao tuyển Việt Nam Lương Xuân Trường sang Thái cũng phải dự bị ở Buriram United, người khác là Đặng Văn Lâm cũng chỉ có một mùa bắt chính ở Muangthong. Những điều đó cho thấy chất lượng thực sự của V.League trên bình diện khu vực.

Mùa đỉnh cao 2019, V.League có 2,89 bàn/trận. Thống kê gần đây giảm mạnh xuống còn 2,42 bàn/trận mùa 2022 và 2,37 bàn/trận mùa 2023. Điều đó cho thấy giải đấu không còn nhiều bàn thắng, sức tấn công của các đội bóng giảm đi và rõ ràng không còn là mảnh đất lành sản sinh những chân sút thượng thặng.

Đà đi xuống của V.League cũng có thể được nhìn thấy qua sự thống trị của CLB Hà Nội. Giải đấu đã luôn duy trì công thức đua vô địch Hà Nội +1 suốt nhiều năm qua. Hầu như không có CLB nào đủ lực để duy trì cuộc đua hàng năm với đại diện thủ đô.

Mỗi mùa, chỉ một cái tên xuất hiện rồi lại biến mất. Công An Hà Nội, nhà vô địch mới nhất của giải đấu, thực chất là tập hợp nhóm ngôi sao từ nhiều CLB. Về cả phương diện lối chơi lẫn con người, họ đều đóng góp rất ít cho tuyển Việt Nam.

Chiều ngược lại, hàng loạt thế lực truyền thống của V.League đang đi xuống. HAGL, SLNA, Đà Nẵng, Bình Dương đều từng gia nhập cuộc đua trụ hạng trong khi cựu vương Quảng Nam vừa trở lại V.League.

Sự đi xuống của nhóm CLB giàu truyền thống trên gắn liền với biến động tài chính của nhà tài trợ. Nhưng họ vẫn may mắn ở lại được với V.League. Trước đó, Than Quảng Ninh, Sài Gòn đều đã bỏ giải.

Võ Minh Trọng là cầu thủ trẻ hiếm hoi của ông Troussier đang được đá chính ở V.League (cho CLB Bình Dương). Ảnh: Minh Chiến.

Không có ngoại binh giỏi, không còn nhiều sao trẻ ấn tượng

Chuyên môn đi xuống, tài chính thiếu bền vững cũng khiến V.League bất lực trong việc mang về các ngoại binh chất lượng. Nastja Ceh (Thanh Hóa) hay Lee Nguyễn (CLB TP.HCM) có lẽ là những ngôi sao nước ngoài cuối cùng đến Việt Nam.

Sau họ, V.League đang phải hài lòng với các ngoại binh hạng hai. Những tên tuổi chất lượng hơn đều đã bị hút máu tới Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, những giải đấu vừa có chất lượng, vừa giàu có hơn.

Tình hình càng ảm đạm đương nhiên khiến người hâm mộ không còn hứng thú với V.League. Sau năm 2019 ấn tượng với 7.450 khán giả trung bình/trận. Con số của V.League 2022 chỉ là 5.769 người/trận, nhích nhẹ lên 6.852 người/trận ở mùa trước.

Trong khi không làm tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng và thu hút CĐV, V.League cũng chẳng thể trở thành hậu phương cho đội tuyển quốc gia. Trong đội hình dự Asian Cup 2023 lần này, chỉ vài tuyển thủ trẻ đang có suất đá chính là Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng hay Nguyễn Thái Sơn. Khuất Văn Khang hay Nguyễn Văn Tùng đều đang dự bị ở đội chủ quản.

Việc HLV Troussier phải hai lần tung Nguyễn Văn Trường vào sân trước Nhật Bản và Indonesia phản ánh sự thiếu hụt lực lượng ở đội tuyển. Văn Trường còn chưa có đủ 500 phút ở V.League sau mấy mùa, thiếu cả năng lực lẫn kinh nghiệm cho một Asian Cup quá khốc liệt.

Thất bại của tuyển Việt Nam rõ ràng có lỗi lớn của HLV Troussier. Nhưng V.League cũng phải gánh trách nhiệm khi không thể trở thành chỗ dựa cho những tính toán của ông thầy người Pháp.

HLV Troussier an ủi Thanh Bình sau sai lầm tai hại Sau trận tuyển Việt Nam thua 0-1 Indonesia và bị loại khỏi Asian Cup 2023, HLV trưởng Philippe Troussier làm công tác tư tưởng cho toàn đội và học trò Nguyễn Thanh Bình.

Quỳnh Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/vleague-lam-duoc-gi-cho-tuyen-viet-nam-post1456366.html