Uzbekistan bất ổn vì sửa đổi hiến pháp

Tình trạng bất ổn tại Uzbekistan tiếp tục kéo dài sang ngày thứ năm và chỉ tạm lắng dịu sau khi chính phủ nước này có động thái nhượng bộ đối với người dân vùng tự trị Karakalpakstan. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại khu vực tự trị hôm 3-7 nhằm kiểm soát tình hình.

Mười tám người đã thiệt mạng và 243 người bị thương trong tình trạng bất ổn ở tỉnh tự trị Karakalpakstan của Uzbekistan. Theo các báo cáo chính thức, những người biểu tình đã tuần hành qua thủ phủ Nukus của tỉnh này vào ngày 1-7 và tìm cách chiếm giữ các tòa nhà chính quyền địa phương. Lực lượng an ninh đã bắt giữ 516 người trong khi giải tán đám đông biểu tình, sau đó nhiều người đã được thả.

Tổng thống Uzbekistan, ông Shavkat Mirziyoyev

Hôm 2-7, Tổng thống Shavkat Mirziyoyev đã từ bỏ kế hoạch sửa đổi các điều khoản của hiến pháp liên quan đến quyền tự trị và quyền ly khai của tỉnh Karakalpakstan. Ngay sau đó, ông cũng ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại tỉnh này.

Tình trạng bất ổn đang tạo áp lực lên Tổng thống Mirziyoyev trong nỗ lực gìn giữ hòa bình, ổn định ở đất nước Trung Á giàu tài nguyên này. Đây cũng là lần bùng phát bất ổn thứ hai ở khu vực Trung Á, sau vụ việc bùng phát có bàn tay của nước ngoài ở Kazakhstan hồi tháng 1-2022, khiến Nga và một số nước láng giềng đưa quân đội vào hỗ trợ ổn định tình hình.

Nhưng khác với Kazakhstan, nguyên nhân của bất ổn ở Uzbekistan dường như mang tính nội tại hơn là có sự can thiệp từ bên ngoài. Cụ thể hơn, sự bùng phát biểu tình bất ổn tại tỉnh Karakalpakstan là phản ứng trực tiếp từ kế hoạch cải cách hiến pháp của chính phủ, theo đó chính phủ trung ương muốn tước bỏ quyền tự trị của tỉnh này. Ahunov, lãnh đạo đảng đối lập Berlik nói với hãng tin Reuters rằng ông lên án việc sử dụng vũ lực gây chết người, rằng ông “lo sợ” khả năng tình hình leo thang thành xung đột sắc tộc giữa người Uzbek và người Karakalpa.

Karakalpakstan là tỉnh tự trị có diện tích lớn nhất đất nước Uzbekistan, chiếm đến 40% diện tích cả nước với 164.900 kilômét vuông, chiếm toàn bộ vùng Tây Bắc nước này. Karakalpakstan là nơi sinh sống của nhóm dân tộc thiểu số Karakalpa có ngôn ngữ riêng. Mặc dù có lãnh thổ rộng lớn, Karakalpakstan lại có chưa tới 2 triệu dân trong tổng số 35 triệu dân của Uzbekistan. Chủ yếu là sa mạc hoặc đất đồng cỏ, vùng đất này chứa các nguồn tài nguyên giàu có như vàng, bạc và uranium mà phần lớn vẫn chưa được khai thác vì khoản đầu tư cần thiết quá cao để khai thác tài nguyên ở vùng lãnh thổ xa xôi.

Karakalpakstan là vùng đất có truyền thống lịch sử rất lâu đời, từ hàng trăm năm trước Công nguyên. Tuy nhiên, đến thời Liên bang Xôviết, Karakalpakstan đã được hòa nhập hoàn toàn vào khối Xôviết, và bản sắc Karakalpakstan dường như không còn được xác định rõ ràng nữa. Đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Karakalpakstan đã được trao quy chế đặc biệt, và đến năm 2005 thì được trao quyền tự trị và ly khai trong khuôn khổ quốc gia Uzbekistan.

Theo hiến pháp quy định, Cộng hòa Karakalpakstan chính thức có chủ quyền và chia sẻ với Uzbekistan quyền phủ quyết đối với các quyết định liên quan đến mình. Theo hiến pháp, quan hệ giữa Karakalpakstan và Uzbekistan “được điều chỉnh bởi các hiệp ước và thỏa thuận” và mọi tranh chấp đều được giải quyết bằng cách hòa giải. Quyền ly khai của tỉnh này bị giới hạn bởi quyền phủ quyết của cơ quan lập pháp của Uzbekistan đối với bất kỳ quyết định ly khai nào. Tuy nhiên, Điều 74, chương XVII, Hiến pháp Uzbekistan, lại quy định rằng: “Cộng hòa Karakalpakstan sẽ có quyền ly khai khỏi Cộng hòa Uzbekistan trên cơ sở một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc do người dân Karakalpakstan tổ chức”.

Với quy định này thì rõ ràng Karakalpakstan việc “dính” vào Uzbekistan chỉ là tạm thời, mang tính danh nghĩa hơn là thực chất, có nguồn gốc dân tộc, truyền thống như các quốc gia khác trên thế giới. Sự ràng buộc lỏng lẻo giữa hai bên sẽ không còn chừng nào các mối quan hệ không còn mang lại cho Karakalpakstan sự bảo đảm về nhiều mặt, kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng.

Chính vì lẽ đó mà chính quyền trung ương ở Tashkent luôn không an tâm về vùng này. Khả năng ly khai của tỉnh Karakalpakstan luôn là nỗi lo thường trực của lãnh đạo Uzbekistan. Và đó chính là động cơ thôi thúc Tashkent phải tìm cách sửa đổi hiến pháp nhằm cắt bỏ mối nguy cơ đất nước bị chia cắt thành hai quốc gia nhỏ hơn.

Để giải quyết tình trạng bất ổn ở tỉnh Karakalpakstan, Tổng thống Mirziyoyev đã bay đến Nukus (thủ phủ tỉnh Karakalpakstan) hai lần vào cuối tuần trước (2 và 3-7) để nói chuyện trực tiếp với người dân địa phương trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Ông cũng đã lùi lại kế hoạch xóa bỏ quyền tự trị của Karakalpakstan. Sự tức giận của công chúng đối với những thay đổi hiến pháp - vốn cũng kêu gọi đặt lại nhiệm kỳ tổng thống của Mirziyoyev về 0, cho phép ông tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ hai của mình kết thúc vào năm 2026 - đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn nhất và cuộc đàn áp mạnh tay nhất của cảnh sát. Đây cũng là lần bất ổn lớn nhất ở Uzbekistan kể từ sau vụ thảm sát năm 2005 ở Andijan.

Các cuộc biểu tình ở Uzbekistan diễn ra sau tình trạng bất ổn hồi tháng 1-2022 ở nước láng giềng Kazakhstan, cũng bắt đầu với sự bất bình có động cơ kinh tế cục bộ nhưng nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, trở thành một phong trào chống chính phủ rộng lớn hơn. Các cuộc biểu tình là cuộc biểu tình đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước.

Vì thế, các nhà phân tích lo ngại rằng các cuộc biểu tình ở Karakalpakstan cũng có nguy cơ lây lan sang các khu vực khác, nơi mà sự tức giận về bất bình đẳng và thiếu đầu tư so với thủ đô Tashkent hoặc các trung tâm văn hóa Bukhara và Samarkand, đang lan rộng. Simon Glancy, người sáng lập công ty tư vấn Strategic Solutions có trụ sở tại Kazakhstan, cho biết: “Điều này đã được kích hoạt một phần bởi những thay đổi trong hiến pháp nhưng cũng do nghèo đói ở khu vực đó của đất nước, nơi không cảm thấy mình nhận được khoản đầu tư xứng đáng”.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/uzbekistan-bat-on-vi-sua-doi-hien-phap-i659670/