Uy lực tên lửa hành trình Kh-BD mới Nga vừa trang bị cho oanh tạc cơ Tu-160

Nga vừa cho ra mắt một loại tên lửa hành trình tầm xa mới phóng từ trên không có tên gọi Kh-BD và đang trang bị loại vũ khí này cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160.

Uy lực tên lửa hành trình Kh-BD mới

Kh-BD đã được phát triển trong thời gian dài, nhưng đến nay Nga vẫn chưa công bố bất cứ hình ảnh nào về tên lửa bí mật này. Giống như nhiều chương trình phòng thủ của Nga, tính năng chính xác của tên lửa vẫn được giữ kín. Một số nguồn tin cho biết, ban đầu, Moscow dự định trang bị tên lửa cho máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo PAK DA.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: Reuters

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn TASS cho biết, Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa Kh-BD mới trên các bệ phóng đặt trong khoang vũ khí. Mỗi bệ phóng có thể chứa được 6 tên lửa. Tư lệnh Không quân Vũ trụ Nga, Trung tướng Sergey Kobylash cho biết: "Máy bay ném bom siêu thanh chiến lược Tu-160 đã được trang bị tên lửa hành trình Kh-BD mới với tầm bắn hơn 6.500 km".

Các chuyên gia cho rằng, nhà sản xuất có thể phát triển Kh-BD dựa trên cấu tạo của tên lửa Kh-101 và phiên bản cải tiến có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa này là Ka-102 với hình dáng tương tự. Điều đó giúp đảm bảo Kh-BD có thể tương thích với các bệ phóng tên lửa của Tu-160.

Nếu Kh-BD là phiên bản nâng cấp của các tên lửa Kh-101/102 thì tại thời điểm này vẫn chưa rõ các kỹ sư Nga làm cách nào để nó đạt được tầm bắn xa hơn nhiều. Lựa chọn khả thi nhất có thể là thu nhỏ các bộ phận bên trong tên lửa, trong đó có đầu đạn, để chứa được nhiều nhiên liệu hơn và cung cấp nhiều năng lượng hơn cho động cơ phản lực của tên lửa.

Việc tăng năng suất hoạt động của động cơ hoặc thay thế bằng loại nhiên liệu khác cùng một số cải tiến về khí động học, cũng có thể giúp tên lửa có tầm bắn xa hơn.

Tên lửa hành trình Kh-101/102 có tiết diện radar thấp, giúp giảm nguy cơ bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện. Theo giới phân tích, tính năng này cũng có thể được thiết kế cho Kh-BD.

Trước đó vào tháng 8/2013, Cục Thiết kế Công nghệ quân sự Raduga ở Dubna, thuộc Moscow đã nhận được hợp đồng của Bộ Quốc phòng Nga về nghiên cứu và phát triển Kh-BD trong khuôn khổ chương trình mang tên Romans. Theo hợp đồng, các vụ thử nghiệm tên lửa sẽ bắt đầu vào năm 2018. Song chưa rõ lý do khiến quá trình chế tạo và thử nghiệm bị trì hoãn.

Cây bút Thomas Newdick của The Drive cho rằng, ngay cả khi Nga tuyên bố đã tích hợp tên lửa Kh-BD cho Tu-160 thì điều này không đồng nghĩa với việc tên lửa đã trải qua các cuộc thử nghiệm nghiệm thu cấp nhà nước và chính thức đưa vào sử dụng. Rất có khả năng, Nga vẫn đang tiến hành nhiều loại hình thử nghiệm khác nhau trên máy bay ném bom để tấn công các mục tiêu mô phỏng.

Moscow cũng có kế hoạch trang bị Kh-BD cho máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo PAK DA. Nhưng vẫn chưa rõ đây là loại máy bay nào và các tính năng của nó ra sao.

Gia tăng sức mạnh cho Tu-160

Nga đã nối lại việc sản xuất máy bay ném bom Tu-160 sau khi tạm dừng công việc này vào năm 1995. Nguyên mẫu máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160M nâng cấp đầu tiên của Nga đã cất cánh vào tháng 1/2022. Nỗ lực của Nga hiện đại hóa Tu-160 được coi là giải pháp tạm thời trong bối cảnh chương trình PAK DA bị chậm trễ.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu việc phát triển và thử nghiệm thành công, Nga có thể sử dụng Kh-BD để thay thế cho tên lửa Kh-101 được trang bị đầu đạn thông thường và tên lửa Kh-102 được trang bị đầu đạn hạt nhân, hoặc thay thế tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-55 và biến thể phi hạt nhân của nó là Kh-555 mà Nga đang sử dụng tại Ukraine.

Mặc dù có rất ít thông tin về các tính năng của Kh-BD, nhưng điều đáng chú ý là tầm bắn mở rộng của tên lửa.

Tầm bắn tối đa của tên lửa Kh-101 vào khoảng 5.500km, trong khi Kh-102 được cho là có tầm bắn xa hơn một chút do mang đầu đạn nhẹ hơn. Giả sử cả hai loại tên lửa này có tầm hoạt động trên 5.000km, trong trường hợp đó, Tu-160 có thể bay trong không phận Nga và tấn công các mục tiêu ở hầu hết châu Âu. Ngay cả khi Tu-160 hoạt động tại căn cứ Engels ở miền Trung nước Nga thì phần lớn Tây Âu vẫn có thể gặp rủi ro.

Nếu Tu-160 được triển khai tới căn cứ của Nga ở Bắc Cực, máy bay ném bom này có thể tấn công vào khu vực Bắc Mỹ. Trong trường hợp Tu-160 tiến hành cuộc tấn công từ căn cứ Engels, máy bay sẽ có nhiều lợi thế, chẳng hạn như nhanh chóng quay trở lại căn cứ để nạp đạn hoặc nhiên liệu và sau đó tiến hành phóng loạt tên lửa mới vào mục tiêu của đối phương.

Trong bối cảnh Nga đang sử dụng tên lửa hành trình tầm xa với tốc độ chóng mặt cho các hoạt động quân sự tại Ukraine. Việc lấp đầy kho dự trữ vũ khí bằng một loại tên lửa tiên tiến, có tầm bắn ưu việt hơn là điều cần thiết.

Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu tên lửa Kh-BD mới có sử dụng bất cứ linh kiện nào có nguồn gốc từ bên ngoài nước Nga hay không. Nhiều báo cáo cho biết, Moscow đã gặp nhiều thách thức lớn trong quá trình sản xuất vũ khí công nghệ cao do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Vẫn còn phải xem xét liệu thiết kế của Kh-BD có bao gồm các biện pháp nào nhằm khắc phục hạn chế này hay không.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/uy-luc-ten-lua-hanh-trinh-kh-bd-moi-nga-vua-trang-bi-cho-oanh-tac-co-tu-160-post1047124.vov