ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC KHẢO SÁT TẠI SA PA, LÀO CAI

Chiều 25/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hóa, du lịch trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2023.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng chủ trì cuộc làm việc

Nằm ở độ cao trung bình từ 1.500 - 1.650m so với mực nước biển, Sa Pa được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ và trở thành những danh thắng gắn với thương hiệu của du lịch Sa Pa và tỉnh Lào Cai như: VQG Hoàng Liên Sơn - 1 trong 4 vườn di sản đầu tiên được UNESCO công nhận tại Việt Nam; đỉnh Fansipan (nóc nhà Đông Dương) với độ cao 3.143m so với mặt nước biển; di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, hang động Tả Phìn, khu chạm khắc đá cổ; núi Hàm Rồng, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn; đèo Ô Quý Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc...

Thị xã Sa Pa có 6 dân tộc sinh sống, gồm Mông (53,43%, Dao (22,26%), Tày (4,31%), Giáy (1,32%), Xa Phó (0,93%) và dân tộc Kinh (17,6%). Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, tạo ra bức tranh văn hóa đa sắc màu được thể hiện qua các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Giáy, Lễ hội hát Giao duyên của dân tộc Dao, Lễ hội xòe của dân tộc Tày, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; qua trang phục đặc trưng của từng dân tộc và các làn điệu dân ca - dân vũ và dân nhạc (khèn, sáo, trống, đàn tính...) đặc trưng, riêng có.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân báo cáo với Đoàn khảo sát

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân báo cáo với Đoàn khảo sát

Hoạt động du lịch Sa Pa được nhen nhóm từ năm 1903, khi người Pháp cho xây dựng những căn biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên tại đây; đến năm 2017, Sa Pa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia, tạo thế và lực cho du lịch Sa Pa phát triển cả về chất và lượng. Thị xã Sa Pa đang quyết tâm phấn đấu, xây dựng và phát triển thành đô thị loại 3 (năm 2030), là khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, là đô thị du lịch thông minh, thân thiện, hiện đại; là đô thị du lịch đạt chuẩn ASEAN.

Năm 2022, hoạt động du lịch Lào Cai đã phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19 với tổng lượng khách đến địa phương đạt khoảng 4,5 triệu lượt. Tổng thu về du lịch ước đạt 15.000 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đoàn khảo sát mong muốn Sa Pa có phương án để tránh bị quá tải du lịch, đồng thời giữ được bản sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn

Đoàn khảo sát mong muốn Sa Pa có phương án để tránh bị quá tải du lịch, đồng thời giữ được bản sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn

Nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, Sa Pa chú trọng bảo tồn và lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc; phát triển du lịch tâm linh gắn với hoạt động lễ hội trên địa bàn. Sa Pa đã hình thành được nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch có thương hiệu, tạo ấn tượng tốt đẹp và thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, như: Du lịch bốn mùa, Ngày hội văn hóa bản làng; Đêm hội Trăng rằm; Lễ hội hoa đỗ quyên, Lễ hội khèn Mông - cáp treo Fansipan; giải Marathon vượt núi quốc tế Topas…

Đoàn khảo sát ghi nhận những nỗ lực của Sa Pa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển du lịch; quan tâm kiểm kê, đánh giá, xếp hạng di tích, vừa bảo vệ vừa phát huy giá trị di tích, danh thắng; có nhiều giải pháp đồng bộ khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Nhấn mạnh, Sa Pa là trọng điểm về văn hóa, du lịch của tỉnh Lào Cai, đóng góp đáng kể cho tỉnh về kinh tế cũng như việc làm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, điều này đặt ra yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể, tránh bị mai một, thất truyền. “Cần hài hòa giữa bảo vệ và khai thác di sản, gắn kết văn hóa và du lịch, quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển du lịch; cân bằng lợi ích 3 bên: nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Chủ động xử lý từ sớm từ xa những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh để xảy ra điểm nóng...”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng lưu ý.

Đoàn khảo sát tại điểm du lịch Cát Cát, thị xã Sa Pa

Đoàn khảo sát tại điểm du lịch Cát Cát, thị xã Sa Pa

Trước đó, Đoàn khảo sát đã làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và các kiến nghị, đề xuất nhằm tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển phù hợp với điều kiện đặc thù tỉnh Lào Cai như: quy định về quy chế khu vực biên giới đất liền, mức thu phí cấp Giấy phép vào khu vực biên giới, quy định phòng cháy chữa cháy...

Đoàn cũng đã đến khảo sát trực tiếp tại một số điểm di tích, du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75266