Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 12

Ngày 6.3, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp

Đại diện Bộ Công an cho biết, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã kiềm chế được sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được nhiều kết quả, nhiều đường dây mua bán người được phát hiện, triệt phá. Công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân; công tác hợp tác quốc tế được tăng cường.

Cụ thể, từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến năm 2023, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ khoảng 8.000 nạn nhân của tội phạm mua bán người; khởi tố 1.744 vụ án, 3.059 bị can về tội mua bán người; tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị can; đã xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Luật cũng đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và một số luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam... Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn các điều ước quốc tế liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên như Nghị định thư Palermo, Công ước ACTIP và tính đồng bộ, thống nhất với các luật như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em.

Tin, ảnh: Thảo Ly

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-tu-phap-hop-phien-toan-the-lan-thu-12-i362109/