ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 6 VÀ CHO Ý KIẾN CHUẨN BỊ CÁC KỲ HỌP SẮP TỚI CỦA QUỐC HỘI

Chiều 18/12, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 28, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 6; cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự phiên họp có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Bùi Hoàng Phương, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; cùng đại diện các cơ quan có liên quan;…

Kỳ họp thứ 6 tiếp tục đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, tiếp tục đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Cụ thể: Quốc hội đã thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 02 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2023, về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Các hoạt động tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Tại các phiên họp, đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 07 phiên thảo luận tổ; có 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn tại phiên họp chất vấn.

Trong thời gian giữa 02 đợt của Kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết để hoàn thiện các dự thảo một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng; sự quyết tâm, nỗ lực phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trương ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội; sự tham gia, đưa tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả Kỳ họp của các cơ quan thông tấn, báo chí ở cả Trung ương và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp.

Cách thức tiến hành kỳ họp khoa học, hợp lý

Báo cáo Tổng kết kỳ họp thứ 6 cũng khẳng định, Chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý. Việc tiếp tục tổ chức Kỳ họp làm 02 đợt họp tập trung với việc dành khoảng thời gian 09 ngày giữa 02 đợt họp đã giúp cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan có thời gian nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn thiện các dự án, dự thảo đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp. Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, không làm kéo dài thời gian Kỳ họp, nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội.

Công tác điều hành của Chủ tọa các phiên họp khoa học, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, sát diễn biến thực tế, hướng đại biểu tập trung vào những vấn đề trọng tâm; tạo được không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu. Kết luận các phiên họp ngắn gọn, toàn diện, tạo thuận lợi cho các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện nội dung. Trong đó, công tác điều hành của Chủ tọa tại phiên họp chất vấn hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng nhóm lĩnh vực chất vấn, ngắn gọn, đúng trọng tâm và bảo đảm việc trả lời của Bộ trưởng/Trưởng ngành không sót nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Ngoài ra, công tác chuẩn bị cho kỳ họp tiếp tục được tiến hành “từ sớm, từ xa”, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo đảm chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho Kỳ họp, nhất là đã chuẩn bị tốt các nội dung trình Quốc hội. Vai trò chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phát huy tối đa, sát sao, kịp thời đôn đốc chuẩn bị và tiến hành các nội dung của kỳ họp, bảo đảm tiến độ và chất lượng các nội dung trình Quốc hội.

Công tác thông tin, tuyên truyền được tổ chức tốt, đúng định hướng, chất lượng, hiệu quả, bám sát đề án đã được duyệt; cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời với nội dung phong phú, thông tin đa dạng, nhiều chiều, phương thức sinh động, phản ánh khách quan, toàn diện, sát diễn biễn Kỳ họp…

Bên cạnh đó, Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cũng nêu một số nội dung cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, như: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cụ thể hóa vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm; Các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống;Tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề nổi cộm, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Chú trọng hơn công tác giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành sau chất vấn;…

Chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Liên quan tới nội dung chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 những nội dung sau: Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; Xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội dự kiến trong 03 ngày làm việc và chia thành 02 đợt (Quốc hội nghỉ giữa 02 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua).

Để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập Kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định, đề nghị các cơ quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của Kỳ họp bất thường để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan sẵn sàng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn,... để phục vụ tốt cho Kỳ họp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ tại phiên họp

Dự kiến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Cho ý kiến 09 dự án luật.

Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về dự kiến thời gian họp, do số lượng nội dung Kỳ họp thứ 7 rất lớn trên cả 03 mảng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 7 theo 02 đợt họp (với khoảng cách 09 ngày giữa 02 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua. Tổng thời gian dự kiến Quốc hội làm việc 22 ngày.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung phiên họp

Điều hành Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, Nhân dân cả nước, dư luận xã hội và tình hình thực tế, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã xây dựng Báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo, nhất là nhấn mạnh kết quả đạt được, điểm nổi bật, điểm mới, cần nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn; cho ý kiến về những nội dung cụ thể cần tiếp tục rút kinh nghiệm cho kỳ họp tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành cho ý kiến bước đầu về Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5; dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; đồng thời nhấn mạnh, tiếp nối thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các hoạt động tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, linh hoạt bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tại kỳ họp này, ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội ở các phiên họp tổ, hội trường đã được tổng hợp đầy đủ, phân tích thấu đáo, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đưa ra phương án tối ưu để tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua đều có sự thống nhất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan, do đó đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Thành công của Kỳ họp tiếp tục cho thấy hiệu quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước; trong công tác chuẩn bị “từ sớm, từ xa”; sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng phát huy dân chủ; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Đối với nội dung về chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5, các ý kiến cho rằng, các cơ quan có liên quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của Kỳ họp bất thường để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Cũng theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại các kỳ họp tiếp theo, cần khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu. Theo đó, để bảo đảm tiến độ gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian nghiên cứu, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung, và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại các phiên họp thường kỳ theo đúng tiến độ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Tham gia phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, kỳ họp thứ 6 đã thành công rất tốt đẹp, mang dấu ấn của người đứng đầu Quốc hội – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bày tỏ tán thành với nội dung cơ bản tại Báo cáo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, những những bài học kinh nghiệm được nêu ra cũng như một số nội dung cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới là cần thiết, đảm bảo sự thành công của các kỳ họp tiếp theo của Quốc hội.

Báo cáo về nội dung chuẩn bị kỳ họp bất thường, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm hoàn thiện hồ sơ các nội dung có liên quan đảm bảo chất lượng, kỹ lưỡng trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ bất thường lần thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV tiếp tục có nhiều tìm tòi, đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội đã có những quyết sách linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, được cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Qua đó, cho thấy Quốc hội và Chính phủ đã bám sát vấn đề của cuộc sống, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; mỗi quyết sách, nghị quyết được ban hành tại kỳ họp tạo tiền đề, cơ sở, xung lực để hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Liên quan đến chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng, tính cấp thiết cũng như phân tích sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 5. Đồng thời, lưu ý, để đảm bảo chất lượng kỳ họp bất thường nói riêng cũng chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói chung, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các cơ quan có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng, khẩn trương hoàn thiện những nội dung dự kiến trình Quốc hội.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Đại diện các bộ, ngành tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ tại phiên họp

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp./.

Lê Anh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83295