Ủy ban Olympic Quốc tế phân trần chuyện cấm Nga, Belarus tham dự

Ủy ban Olympic Quốc tế khẳng định thực hiện đúng sứ mệnh hòa bình và... phi chính trị.

Một bức ảnh cho thấy lá cờ Olympic phân biệt đối xử với Nga.

Trong số 4.600 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới đã đủ điều kiện tham dự Paris 2024 cho đến nay, chỉ có 11 Vận động viên trung lập cá nhân (AIN), bao gồm 6 người có hộ chiếu Nga và 5 người có hộ chiếu Belarus, theo thông tin chính thức từ trang điện tử của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Theo IOC, có hơn 60 vận động viên Ukraine đủ điều kiện tham dự Paris 2024. Dự kiến, đoàn Ukraine sẽ có quy mô tương đương tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.

Các Vận động viên trung lập cá nhân phải vượt qua vòng loại thông qua hệ thống trình độ hiện có của các Liên đoàn quốc tế (IF). Các vận động viên trung lập cá nhân sẽ được IOC và các IF tương ứng của họ mời. Chỉ một số lượng rất ít vận động viên đủ điều kiện thông qua hệ thống đánh giá hiện có của IF.

Giống như tất cả các vận động viên khác, các VĐV trung lập cũng sẽ phải tuân thủ các quy tắc và quy định áp dụng tại Thế vận hội Olympic, bao gồm cả việc chống doping.

Đồng thời các VĐV này cũng sẽ phải ký vào bản Điều kiện tham gia Olympic Paris 2024. Điều này bao gồm cam kết tôn trọng Hiến chương Olympic, bao gồm cả “sứ mệnh hòa bình của Phong trào Olympic”.

Theo các nhà quan sát, các điều kiện có dấu hiệu phân biệt đối xử để AIN được tham dự tại Olympic Paris 2024 gồm:

"Các đội vận động viên có hộ chiếu Nga hoặc Belarus sẽ không được xem xét tham gia.

Các vận động viên tích cực ủng hộ cuộc chiến sẽ không được tham gia hoặc thi đấu. Nhân viên hỗ trợ tích cực hỗ trợ chiến tranh sẽ không được tham gia.

Các vận động viên ký hợp đồng với các cơ quan an ninh quốc gia hoặc quân đội Nga hoặc Belarus sẽ không đủ điều kiện để tham gia hoặc thi đấu. Nhân viên hỗ trợ có hợp đồng với quân đội Nga hoặc Belarus hoặc các cơ quan an ninh quốc gia sẽ không được tham gia.

Các yêu cầu kiểm tra khắt khe liên quan đến chống doping và đặc biệt là những yêu cầu được quy định trong các quy tắc chống doping của IF."

IOC vẫn "tuân thủ" các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Belarus

Đáng chú ý hơn, IOC cũng đề cập đến việc tuân thủ các lệnh trừng phạt được phương Tây áp đặt nhằm vào Nga.

Cụ thể, văn bản viết rõ: "Các biện pháp trừng phạt đối với những người gây ra chiến tranh, các quốc gia và chính phủ Nga và Belarus, vẫn được áp dụng cho Thế vận hội Olympic Paris 2024. Điều này đặc biệt có nghĩa là:

Không có cờ, quốc ca, màu sắc hoặc bất kỳ thông tin nhận dạng nào khác của Nga hoặc Belarus sẽ được trưng bày tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 ở bất kỳ địa điểm chính thức hoặc bất kỳ sự kiện chính thức nào.

Sẽ không có quan chức chính phủ hoặc nhà nước nào của Nga hoặc Belarus được mời tham dự hoặc được công nhận tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024."

IOC lưu ý, họ đưa ra các điều kiện trên sau khi đã cân nhắc đến các lời kêu gọi, các quan điểm chung của các vận động viên, những nghị quyết và các tuyên bố chung của các nhóm quốc gia.

Trong khi đó, tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 New Delhi, cho biết vào tháng 9: “Chúng tôi cũng mong đợi Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris vào năm 2024 như một biểu tượng của hòa bình, đối thoại giữa các quốc gia và sự hòa nhập, với sự tham gia của tất cả mọi người”.

Tuyên bố của Phong trào Không liên kết, bao gồm 120 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cho biết: “Sự tham gia của các vận động viên từ tất cả 206 Ủy ban Olympic quốc gia tại Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024 sẽ là biểu tượng mạnh mẽ của sự đoàn kết của nhân loại”.

Mối quan ngại của hai Báo cáo viên đặc biệt từ Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, yêu cầu IOC đảm bảo “không phân biệt đối xử với bất kỳ vận động viên nào dựa trên quốc tịch của họ”.

Ủy ban IOC còn khẳng định thêm: Bất chấp việc Ủy ban Olympic Nga (ROC) đình chỉ hoạt động, Ban điều hành IOC vẫn không thay đổi các khuyến nghị của mình liên quan đến sự tham gia của AIN theo những điều kiện nghiêm ngặt này.

Việc bảo vệ quyền tham gia thi đấu của các vận động viên cá nhân bất chấp việc NOC của họ bị đình chỉ là một thông lệ lâu đời, tôn trọng nhân quyền và đã được thực hiện ở một số NOC bị đình chỉ trong Thế vận hội Olympic trước đây.

Trong một tuyên bố hôm 1/4, người đứng đầu Ủy ban Olympic Nga (ROC) Stanislav Pozdnykov đã bày tỏ sự bức xúc với các quyết định từ phía Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Ông Pozdnykov cho rằng, lãnh đạo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đình chỉ các vận động viên Nga hoàn toàn dựa trên quốc tịch của họ, điều này chứng tỏ tổ chức này đang chơi trò chơi chính trị.

“Các nhà chức trách của Phong trào Olympic quốc tế trong những năm gần đây đã trở thành chuyên gia lập luận đổi trắng thay đen, chuyển trách nhiệm của mình cho người khác để hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra".

Đông Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/uy-ban-olympic-quoc-te-phan-tran-chuyen-cam-nga-belarus-tham-du-post677834.html