Ủy ban Kinh tế: Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế 'xin – cho', 'lợi ích nhóm' trong xây dựng quy hoạch

Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế 'xin cho', 'lợi ích nhóm' trong xây dựng quy hoạch dẫn đến tình trạng dự án 'treo', chậm triển khai thực hiện trên thực tế.

Sáng 22-4, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Phân cấp cho địa phương, rút gọn trình tự lập quy hoạch

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với gồm 5 chương, 61 điều.

Trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, dự thảo Luật lần này đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông tin về những điểm mới cơ bản, ông Nghị cho hay các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, gồm: quy hoạch chung - quy hoạch phân khu - quy hoạch chi tiết. Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, các quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn còn lại là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành.

Dự thảo cũng điều chỉnh trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị. Trong khi theo quy định hiện nay, Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III.

Cũng theo quy định hiện hành, đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới…, trước khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Dự thảo đề xuất điều chỉnh phân cấp việc thống nhất bằng văn bản đối với quy hoạch chung đô thị loại IV cho cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc UBND cấp tỉnh.

Một điểm mới đáng chú ý, dự thảo Luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch: Không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã).

Dự thảo cũng không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ mà tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V để giảm việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng.

Dự thảo cũng bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm (đối với các đô thị trực thuộc tỉnh) và quy hoạch không gian ngầm (được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.

Quy hoạch chung cần bảo đảm tính ‘động’, mở

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật.

Liên quan đến định hướng nội dung xây dựng Luật, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng cần đặc biệt nhấn mạnh một số nội dung, như kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế ‘xin – cho’, ‘lợi ích nhóm’ trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Về loại đô thị và cấp hành chính đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát, nghiên cứu quy định theo hướng chung, giữ lại quy định “Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc phân loại đô thị phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội” là cơ sở để ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo, làm rõ cơ sở của việc chỉnh sửa như dự thảo Luật về “quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch chung đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; các loại, các cấp độ quy hoạch còn lại là quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành”. Theo ông Thanh, tờ trình, Báo cáo tổng kết thi hành và đánh giá tác động chưa có nội dung cụ thể.

Thường trực cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát các quy định cụ thể về nội dung các loại quy hoạch, các cấp độ quy định theo hướng đối với quy hoạch chung cần bảo đảm tính ‘động’, mở, định hướng, thay vì ‘cứng nhắc’, bó hẹp không gian phát triển của đô thị và nông thôn; đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần bảo đảm tính cụ thể, hợp lý, khả thi, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/uy-ban-kinh-te-xoa-bo-tu-duy-nhiem-ky-co-che-xin-cho-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-quy-hoach-post786790.html