Ưu tiên phát triển điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nhấn mạnh, thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công thương cũng đề xuất bổ sung Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới như: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường...

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện chất thải rắn, thủy điện nhỏ. Từ năm 2018 đến nay, ngành năng lượng tái tạo nước ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh (đặc biệt là các dự án điện gió và điện mặt trời); tỷ trọng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (gồm điện mặt trời nối lưới, điện gió, năng lượng sinh khối và thủy điện) tăng lên nhanh chóng.

Đến nay, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt hơn 43 nghìn MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam, trong đó điện gió đạt 4.126 MW, điện mặt trời mái nhà là 7.660MW, điện mặt trời trang trại 8.904MW, thủy điện hơn 22 nghìn MW. Tuy vậy, năng lượng tái tạo hiện vẫn còn chiếm tỷ trọng tương đối thấp, khoảng 9% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp của cả nước (năm 2020).

Đối với Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 nhà máy thủy điện đã vận hành phát điện. Trong năm 2023, các nhà máy thủy điện đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 320 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến nay, có hơn 15,7 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và hằng năm cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 1,5 tỷ KWh, góp phần trong việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định và giá thành rẻ lên hệ thống điện quốc gia.

Tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050" xác định mục tiêu tổng quát trong dài hạn là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện chuyển đổi năng lượng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia trong những năm đến, Luật Điện lực phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

PHẠM DANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/su-kien-binh-luan/202404/uu-tien-phat-triendien-nang-luong-tai-tao-6b00e8e/