Ưu tiên hợp tác và đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Myanmar và Covid-19

Những diễn biến chính trị tại Myanmar sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của quốc tế, đặc biệt là các quốc gia ASEAN. Lãnh đạo nhiều nước ASEAN đang kêu gọi tổ chức hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN để thảo luận những diễn biến tại Myanmar.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 5/2 có cuộc tiếp và hội đàm với Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin đang có chuyến thăm chính thức 2 ngày tới quốc gia láng giềng này. Ngoài những vấn đề hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận ổn định và an ninh trong khu vực. Hai bên nhấn mạnh, tình hình sẽ ổn định, kể cả ở Biển Đông, nếu tất cả các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Quân đội Myanmar chốt chặn trên đường sau đảo chính. Ảnh: ABC News.

Những diễn biến chính trị tại Myanmar - quốc gia thành viên ASEAN có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định và an ninh khu vực được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các nước ASEAN. Hai nhà lãnh đạo Indonesia và Malaysia bày tỏ những khác biệt chính trị có thể được giải quyết theo luật hiện hành, đồng thời khẳng định, để hiện thực hóa tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, điều quan trọng là tất cả các bên phải tiếp tục tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, nhất là các nguyên tắc nhà nước pháp quyền, hợp hiến, quản trị tốt, dân chủ và nhân quyền.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhấn mạnh: “Malaysia đang theo dõi chặt chẽ những vấn đề tại Myanmar. Chúng tôi lo ngại những diễn biến này có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Hai nhà lãnh đạo cho biết đang đề nghị tổ chức một hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN về các diễn biến tại Myanmar. Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị hai ngoại trưởng Indonesia và Malaysia thảo kuận với nước chủ tịch ASEAN là Brunei tổ chức một hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt để thảo luận về tình hình Myanmar. Trong cuộc gặp chúng tôi sẽ thảo luận một loạt các vấn đề tại Myanmar”.

“Theo đuổi đối thoại, hòa giải, phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar” là lập trường chung của các quốc gia ASEAN đối với những diễn biến chính trị tại Myanmar. Các nước khu vực cũng nhấn mạnh những nguyên tắc của khối bao gồm tuân thủ các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do.

Ủng hộ vai trò và lập trường của các nước khu vực trong việc tìm kiếm giải pháp giúp Myanmar ổn định cũng là điều được nhiều quốc gia ủng hộ. Tuyên bố chung của Hội đồng bảo an đưa ra về tình hình Myanmar cũng nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các tổ chức khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch ngày 1/2 của ASEAN.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward nhấn mạnh: “Hiện có lo ngại trong dư luận quốc tế về tình hình tại Myanmar. Chúng tôi hoan nghênh vai trò của các đối tác khu vực bao gồm ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng này”.

Theo giới quan sát và học giả khu vực, cùng với dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các quốc gia Đông Nam Á, những diễn biến chính trị tại Myanmar sẽ là một trong những vấn đề ưu tiên cần sự hợp tác và đồng thuận của các quốc gia thành viên ASEAN trong năm 2021, với Brunei giữ chức chủ tịch./.

Phạm Hà/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/uu-tien-hop-tac-va-dong-thuan-trong-asean-ve-van-de-myanmar-va-covid-19-835883.vov