Ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực

Tại các địa phương đang thu hoạch lúa Hè Thu (HT) 2023 trên địa bàn tỉnh Long An xuất hiện tình trạng thương lái cạnh tranh thu mua lúa của nông dân, giá lúa liên tục phá vỡ 'kỷ lục' trong hơn 10 năm trở lại đây khiến thị trường lúa gạo không chỉ nóng lên về giá, nguồn cung mà còn khiến nhiều nông dân lo ngại về vấn đề an ninh lương thực.

Nông dân vừa mừng, vừa lo

Việc thương lái đến tận ruộng đặt cọc mua lúa với giá tăng cao từ 1.000-2.000 đồng/kg so cùng kỳ làm nông dân phấn khởi. Tuy vậy, bên cạnh niềm vui vì bán lúa được giá cao thì nông dân cũng đối mặt với nỗi lo vì các vấn đề phát sinh theo kiểu “nước lên thuyền lên”.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là ông Nguyễn Văn Sỹ (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) thu hoạch 1,2ha lúa giống OM18. Cách đây hơn 1 tháng, ông nhận cọc bán lúa với giá 7.000 đồng/kg, giá này rất cao so với các vụ trước nhưng ông vẫn chưa thể yên tâm vì chỉ mới hợp đồng với cò lúa chứ không làm trực tiếp với thương lái. Ông Sỹ cho biết: “Tôi chưa thu hoạch nên cũng chưa biết năng suất vụ này như thế nào. Những vụ gần đây, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng làm cho nông dân không có lợi nhuận nhiều”.

Giá lúa tăng cao nhưng nông dân vẫn lo về chi phí sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024

Giá lúa tăng cao nhưng nông dân vẫn lo về chi phí sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024

Phấn khởi vì giá lúa tăng nhưng nỗi lo đi kèm là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng mạnh từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch lúa trung bình khoảng 3 tháng. Trong thời gian này, thị trường biến động, nông dân bán lúa chưa chắc được giá cao nhưng chi phí thì nông dân đã phải bỏ ra ngay từ khi xuống giống.

Ông Nguyễn Văn Đồng Đen (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Nông dân ai cũng phấn khởi do giá lúa tăng nhưng kèm theo đó là nỗi lo vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bắt đầu tăng. Nếu giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục tăng thì chi phí sản xuất sẽ rất cao, tôi khó mạnh tay đầu tư sản xuất vụ tới, năng suất lúa vì vậy có thể sẽ bị ảnh hưởng”.

“Cơn sốt” giá lúa gạo khiến nông dân trồng lúa đang gánh các chi phí đội lên. Việc giá lúa liên tục tăng chưa hẳn nông dân có thể hưởng lợi. Theo chia sẻ của nhiều nông dân, sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân 2022-2023, thời tiết tương đối thuận lợi, lúa trúng mùa, giá bán ở mức ổn định. Thời điểm đó, chi phí đầu tư cho 1ha lúa từ 35-40 triệu đồng. Với giá bán lúa từ 6.200-6.500 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận khoảng 40% (25-30 triệu đồng/ha). Nhưng đó là câu chuyện của vụ Đông Xuân, còn vụ HT và Thu Đông thì thời tiết khá bất lợi, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều diện tích lúa HT vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch thì gặp phải mưa lớn, gây ngã. Do đó, dù giá lúa tăng cao nhưng nông dân có lợi nhuận không cao.

Hiện nay, nông dân bán lúa vẫn phải qua nhiều khâu trung gian, từ thu mua đến vận chuyển. Điều này khiến cho lợi nhuận của nông dân vốn đã ít lại còn bị chia nhỏ. Để giải quyết “bài toán” thu nhập cho người trồng lúa, cần có thêm chính sách về việc tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư; quản lý tốt hơn về giá cũng như chất lượng sản phẩm.

Bảo đảm an ninh lương thực

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã gieo sạ trên 484.224ha lúa, đạt 96,7% kế hoạch, bằng 100,4% so cùng kỳ năm 2022; đã thu hoạch trên 366.416ha, năng suất bình quân ước đạt 61,9 tạ/ha, sản lượng gần 2,27 triệu tấn, đạt 81,1% kế hoạch, bằng 100,2% so cùng kỳ.

Nông dân sấy lúa sau khi thu hoạch

Nông dân sấy lúa sau khi thu hoạch

Hiện nay, việc bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn như người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang tính tự phát; hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu kém, chưa phát huy được vai trò liên kết, hỗ trợ nông dân; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra; thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao; công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản còn hạn chế;...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, tỉnh rất ủng hộ chủ trương tăng diện tích lúa Thu Đông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sẽ nỗ lực góp phần tăng diện tích lúa Thu Đông, bảo đảm an ninh lương thực, chớp thời cơ xuất khẩu thuận lợi.

“Sau khi thu hoạch lúa HT sớm, bán giá cao, nông dân đã gieo sạ vụ lúa Thu Đông 2023. Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ gần 40.000ha lúa Thu Đông, tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương xuống giống vụ Thu Đông sớm để kéo theo xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024 sớm hơn kế hoạch, thu hoạch lúa trước tết, tránh ảnh hưởng hạn, mặn. Các địa phương gối vụ sớm thì sang năm 2024, tỉnh sẽ tăng diện tích sản xuất lúa Thu Đông lên 60.000-62.000ha” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/uu-tien-bao-dam-an-ninh-luong-thuc-a161635.html