Ươm mầm nghiên cứu khoa học cho học sinh

Bước sang năm thứ 11, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang tổ chức tiếp tục lan tỏa những hiệu ứng tích cực. Cuộc thi không những tạo sân chơi nghiên cứu khoa học cho học sinh, mà còn góp phần thay đổi tích cực phương pháp dạy và học trước những yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ THÔNG (GDPT) năm 2018.NHIỀU DỰ ÁN MANG TÍNH THIẾT THỰC

Theo Sở GD-ĐT, đây là năm thứ 11 ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Tham dự Cuộc thi năm nay có 79 sản phẩm đến từ các trường THPT và các Phòng GD-ĐT. Trong các lĩnh vực của cuộc thi, lĩnh vực hệ thống nhúng có số dự án tham gia đông nhất là 30 sản phẩm, kế tiếp là lĩnh vực: Cơ khí, kỹ thuật môi trường…

Mô hình “Thùng rác công cộng thông minh” của em Giản Huỳnh Ngọc Nhi, học sinh lớp 11, Trường THPT Chợ Gạo.

Mô hình “Thùng rác công cộng thông minh” của em Giản Huỳnh Ngọc Nhi, học sinh lớp 11, Trường THPT Chợ Gạo.

Tại Cuộc thi, việc chấm thi các sản phẩm sẽ được mỗi giám khảo thực hiện độc lập; đồng thời trực tiếp trao đổi, phỏng vấn thí sinh, chú trọng việc đánh giá quá trình nghiên cứu của học sinh. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các sản phẩm dự thi năm nay mang tính thực tiễn, sáng tạo cao, gần gũi với đời sống thường ngày. Một số sản phẩm có tính khoa học cao, sự đầu tư đáng kể về hình thức lẫn nội dung; thiết kế, trưng bày khoa học đúng yêu cầu. Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của nhiều học sinh rõ ràng, tự tin, ngắn gọn, đúng trọng tâm.

Năng lực giao tiếp của học sinh khá tốt, tự tin khi đứng trước đám đông. Đồng thời, các sản phẩm dự thi năm nay thể hiện sự chuẩn bị bài bản, công phu, có chiều sâu và phong phú về các lĩnh vực; chất lượng các sản phẩm được nâng lên, gần gũi thực tế, mang tính ứng dụng cao. Trong đó, có nhiều sản phẩm gần gũi với thực tế, mang tính ứng dụng cao như sản phẩm: “Máy lột vỏ lụa bán tự động”; “Gàu gấp bùn”; “Máy mày củ thành bột mịn”;…

Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án quan tâm đến kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường, vấn đề lan tỏa tình yêu đối với nghệ thuật đờn ca tài tử đối với học sinh THPT; nghiên cứu ứng dụng ChatGPT đối với học sinh THPT…

Đứng trước những vấn đề ô nhiễm môi trường, em Giản Huỳnh Ngọc Nhi, học sinh lớp 11, Trường THPT Chợ Gạo đã nghiên cứu ra mô hình “Thùng rác công cộng thông minh” với chi phí thấp, dễ ứng dụng. Ngọc Nhi cho biết: “Thùng rác này khác với các loại thùng rác khác là nó biết phát ra âm thanh qua điện thoại khi rác đầy, sử dụng linh kiện đơn giản và quan trọng nhất là sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

ĐỂ CUỘC THI ĐƯỢC LAN TỎA

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là việc làm thường niên của ngành trong mỗi năm học. Có 2 mục đích chính mà Cuộc thi hướng đến là khuyến khích học sinh THPT nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Từ cuộc thi này đã thúc đẩy thay đổi hoạt động dạy và học theo hướng thực tiễn, trong đó có thể kể đến như mô hình dạy học STEM, dạy học theo dự án…

Ngoài ra, thông qua Cuộc thi này nhằm thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng dạy học trong các trường THPT, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018.

Kết quả, Ban Tổ chức đã xét trao 4 giải Nhất, 7 giải Nhì, 11 giải Ba và 17 giải Khuyến khích cho các sản phẩm đoạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2023 - 2024 do Sở GD-ĐT tổ chức

Tuy nhiên, qua thực tiễn tổ chức cho thấy, Cuộc thi vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Số lượng đơn vị tham gia còn hạn chế, một số sản phẩm chưa thực sự đầu tư công phu. Để Cuộc thi thật sự có ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành Giáo dục, trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang yêu cầu các trường THPT và các đơn vị phòng GD-ĐT cần khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, giáo viên đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, giáo viên đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; đưa nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn; giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh.

Cùng với đó, các đơn vị giáo dục cần phát triển câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trong các cơ sở giáo dục trung học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học vào thực tiễn; rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập và trong cuộc sống.

Đ. PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202401/cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-uom-mam-nghien-cuu-khoa-hoc-cho-hoc-sinh-1001109/