Ước muốn và hy vọng

Một người bình thường, ở bất kỳ lứa tuổi nào và ở bất kỳ địa vị xã hội nào đều ước muốn và hy vọng có được bốn nội dung cơ bản sau đây trong cuộc đời mình: Sức khỏe tốt. Nghề nghiệp ổn định, có thu nhập tốt. Một gia đình hạnh phúc. Có quan hệ xã hội tốt với anh chị em, với bạn bè, với đồng nghiệp.

Nguồn: ITN.

Bốn nội dung nêu trên là tiêu chuẩn của một người hạnh phúc trong một xã hội ổn định và phát triển. Có nhiều kỹ năng để vươn tới bốn nội dung tiêu chuẩn ấy nhờ “ước muốn” và “hy vọng” là hai món quà miễn phí của Thượng đế ban cho con người để giúp chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được những gì mà chúng ta có thể đạt được trong cuộc sống hàng ngày.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Ước muốn là cầu mong điều mà biết là rất khó hoặc không thực hiện được đầy đủ. Thí dụ: “Ước gì anh lấy được nàng” (ca dao). “Ước gì anh hóa ra cơi/ Để cho em đựng cau tươi trầu vàng” (ca dao). Cầu được ước thấy”. “Hy vọng là tin tưởng và mong chờ. Thí dụ: Hy vọng có ngày gặp lại. Mẹ hy vọng nhiều ở con. Đặt hy vọng vào lớp trẻ”.

Có tác giả nêu: Cần có ước muốn trước rồi trong quá trình phấn đấu mới hy vọng dần dần đạt được ở từng nấc một. Có người lại nêu: Ước muốn và hy vọng phải đi song song với nhau để cùng nâng đỡ, thúc đẩy nhau trong mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống hàng ngày.

Xin cứ từ từ theo dõi đôi bạn “ước muốn” và “hy vọng” sẽ đi đứng ra sao trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Trước hết, ước muốn thường xuất phát từ những giấc mơ, những tưởng tượng, những ham muốn mà mình ao ước, mình thèm khát muốn có, muốn được. Đúng như triết gia Edmond Rostand đã nói hộ lòng ta trong một danh ngôn để đời: “Chính trong đêm tối mà tưởng tượng ra ánh sáng mới thấy đẹp”.

Cái ánh sáng mà ta hình dung ra nó đẹp đẽ và sáng chói biết bao, cho dù ta đã từng nhìn thấy hoặc chưa nhìn thấy cái ánh sáng ấy. Thế mới hay, thế mới quý và cũng chính vì thế nên ta mới cố gắng, mới phấn đấu. Triết gia lừng danh La Rochefoucauld (1613 - 1680) đã nói như “đi guốc trong bụng” con người là: “Trước khi tha thiết ước muốn một cái gì, ta phải xem xét kỹ cái sung sướng là dường nào của kẻ đã có nó”.

Như thế, người phải có óc hướng ngoại, muốn tò mò, muốn tìm hiểu một mô hình sống cao hơn cái cuộc sống mình đang có mới có lòng mong muốn, mới có sự ước muốn để một ngày nào đó mình cũng được như người ta.

Từ đó có thể suy ra: Những ai cam chịu, sống khép mình, không dám nhìn thấy cuộc sống đang ồn ào, tấp nập bên ngoài thì sẽ không bao giờ có ước muốn và lẽ dĩ nhiên là cuộc sống sẽ chẳng có hy vọng gì hết. Có người chỉ dám khu trú ở mức “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày” là đủ rồi, việc gì phải phấn đấu cho vất vả!

Đến đây đã có thể khu trú lại vấn đề là: Hiện nay có không ít người trong xã hội không có ước muốn và không có hy vọng thay đổi cuộc sống hiện tại của bản thân.

Nhận xét này là có thật và chính cách suy nghĩ này làm chậm bước tiến của cộng đồng và của xã hội.

Nhìn vào thực tế những năm tháng của thế kỷ XXI này, ta thấy có nhiều chân trời mở rộng cho tất cả các đối tượng muốn vươn lên, muốn đạt đến một cuộc sống mới giàu có hơn, sung sướng hơn. Tuy vậy, cần nghe theo những lời dạy sau đây của các triết gia tiền nhân, nhất là các triết gia cổ đại đã được đưa vào các loại “Từ điển triết học” của loài người.

Triết gia Syrus (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) đã viết: “Nếu anh muốn lên được chỗ cao nhất thì hãy khởi sự từ chỗ thấp nhất”.

Còn Cicero (từ năm 106 - 43 trước Công nguyên) thì đã xác định hộ chúng ta: “Khi anh ao ước một địa vị cao, mà nếu đạt được chỗ thứ hai hay thứ ba cũng là một vinh dự rồi”.

Mặc dù đã trải qua hàng ngàn năm nhưng những lời dạy của Syrus và Cicero vẫn được các nhà triết học đương đại coi là chuẩn mực vì nó là hợp lý, là phù hợp với mọi thời đại.

Trên thực tế cũng có những phát triển đột biến, ngoài quy luật nhưng chỉ là số rất ít và không bền vững.

Tiếp tục mổ xẻ các nội dung của ước muốn, của hoài bão, của hy vọng, nhiều tác giả có những nhận xét, đánh giá rất tài tình, rất chi tiết nhưng rất thực tế, đời thường. Triết gia người Thụy Sĩ, ông Lavater (1741 - 1801) đã nhận xét rất chuẩn: “Những ước muốn thật sự của ta thì ít mà sự mơ tưởng của ta thì bao la quá”. Ý tứ của câu danh ngôn này rất hay, rất sát với đời sống mà chúng ta đang sống, đang học tập, đang làm việc.

Những cái mơ tưởng bao la hão huyền thiếu thực tế vẫn đến với ta hàng ngày nên ta phải tập để có thói quen suy đi nghĩ lại, tránh những ảo tưởng để khỏi chìm đắm vào đó mà làm mất thì giờ, có khi còn sa vào cái bẫy của sự lừa dối.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải không ít những người tưởng nhầm là có nơi “việc nhẹ, lương cao”, có nơi làm ăn tốt cần chung vốn, hợp tác làm ăn, có nơi cho vay tiền tiêu trước trả sau... dẫn đến bị lừa đảo thảm hại. Khi biết ra thì đã muộn vì quá dại. Như vậy, lời dạy của Lavater đã có từ hơn 200 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Triết gia người Mỹ, ông Benjamin Frankin (1706 - 1790) lại dạy ta thêm một biện pháp tu thân, rèn luyện và khống chế cảm xúc, khống chế tham vọng trong một nguyên lý tuyệt vời khi ông viết: “Đè nén khao khát đầu tiên thì dễ dàng hơn là làm thỏa mãn tất cả những khao khát tiếp theo đó”. Nguyên lý này rất quan trọng nhưng cũng rất thực tế trong đời sống hàng ngày.

Việt Nam ta có những lời khuyên rất đơn giản như: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, hay “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hay “Chót vì tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây”... dạy ta phải biết tránh xa cái xấu, cái ác, cái nghiện ngập ngay từ đầu, ngay từ lúc chập chững bước vào đời thì rất dễ, chứ còn để chót dại, một lần sẽ có các lần sau, thì sự khao khát, thèm muốn sẽ đưa cuộc đời ta đến đường hầm không lối thoát.

Cách tổng kết về các ham muốn, ước muốn, hy vọng của bậc thầy George Bernard Shaw (1856 - 1950) thì thật là đỉnh cao, ông đã viết: “Có hai bi kịch trong đời. Một là không đạt được điều ước muốn của lòng mình. Hai là đạt được, chiếm đoạt được cái ước muốn đó”.

Càng có thời gian kiểm nghiệm mới thấy rõ cái bi kịch của sự đạt được lòng ham muốn quá nguy hiểm, quá gian nguy như những vụ đại án mà truyền thông xã hội đã đưa tin trong thời gian gần đây.

Thế mới biết, dù là khát khao mong muốn, dù là ước mơ, hy vọng... tất cả đều phải có giới hạn an toàn, tất cả đều phải có điểm dừng, tất cả đều phải “ngó trước, trông sau” mới bền vững, an toàn.

Có người đã nói: “Còn sống là còn hy vọng” hoặc “Sau khi mất hết, chẳng còn gì, chỉ còn lại mỗi hy vọng”. Vậy thì thực chất của hy vọng là gì? Hy vọng là một khái niệm, một ý chí hay là một kỹ năng sống cụ thể?

Thi sĩ người Pháp, bà Maintenon (1635 - 1719) đã có một định nghĩa rất dễ thương về hy vọng, bà viết: “Hy vọng bảo chúng ta rằng: Hãy tiếp tục, hãy tiếp tục!”. Như thế, hy vọng là một khẩu hiệu sống, một động lực sống. Nếu ai có hy vọng, dù trong bất cứ việc gì lớn hay nhỏ, đều thuận lợi hơn, đều dễ dàng hơn để vượt qua những cái khó, cái khổ tất nhiên sẽ gặp phải trên bước đường đời.

Thi sĩ Thomas Moore (1779 - 1852) thì khẳng định: “Hy vọng nhuộm hồng ngày sắp đến”. Điều này hoàn toàn đúng. Cậu học trò hy vọng lớn lên thành cầu thủ bóng đá danh tiếng.

Ông già hy vọng được tiễn cháu nội vào đại học. Ôi hy vọng đã đem lại bao sức sống cho con người. Thế nhưng, hy vọng cũng có những hạn chế, những không thực tế của nó mà con người cần phải biết và cần phải lường trước được trong mọi tình huống để khỏi bỡ ngỡ, khỏi đau buồn khi không đạt được cái mình đợi chờ, cái mình mong muốn.

Nói về tác dụng của hy vọng, bậc thầy Molìere (1622 - 1673) đã nói: “Hy vọng chắc chắn là an ủi chúng ta và xoa dịu sự chán chường của chúng ta trong một thời gian”. Còn triết gia Lévis thì hướng dẫn cụ thể: “Cứ vui với cái mình sẵn có. Cứ hy vọng với cái mình còn thiếu thốn”.

Khép lại bài viết, rõ ràng “ước muốn” và “hy vọng” là hai loại thuốc bổ mà con người cần phải có trong cuộc đời mình. Nhưng cũng như các thức ăn bổ khác như cơm gạo, thịt, cá... đều rất quý, nhưng liều lượng phải vừa phải và theo khoa học mới có ích.

Dùng nhiều quá sẽ có hại, như một tác giả đã viết: “Thuốc bổ uống nhiều cũng độc”. Vì thế, “ước muốn” và “hy vọng” cần đúng mực, khoa học mới đem lại hạnh phúc cho con người.

TRẦN HỮU THĂNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/uoc-muon-va-hy-vong-10278267.html