Ứng phó thiên tai còn nhiều khó khăn

Ghi nhận 8 tháng của năm 2023, số vụ sạt lở trên địa bàn An Giang tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, mưa, giông, sét cũng gây thiệt hại lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực ứng phó.

An Giang là tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL, có rất nhiều sông, kênh, rạch. Trong đó, 2 dòng sông chính là sông Tiền và sông Hậu khi đổ từ sông Mekong vào ĐBSCL có rất nhiều đoạn sông cong. An Giang có địa hình tương đối cao hơn một số tỉnh trong vùng ĐBSCL, hàng năm chịu tác động của lũ từ thượng nguồn đổ về (từ tháng 6 đến tháng 11), đồng thời là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Vì vậy, An Giang bị ảnh hưởng sạt lở nhiều hơn một số tỉnh ĐBSCL.

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, trong 8 tháng của năm 2023, trên địa bàn An Giang xảy ra 32 vụ mưa, giông, lốc, làm 247 căn nhà bị sập, tốc mái, 887,15ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, 5.969ha lúa, hoa màu, cây trái bị ngập, đổ ngã, nhiều tài sản của Nhà nước và Nhân dân bị ảnh hưởng (tốc mái, sập nhà kho, nhà máy, đổ ngã trụ điện…); có 2 người chết do sét đánh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 73 vụ sạt lở, răn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch, tổng chiều dài 3.511m (huyện An Phú 25 điểm, huyện Chợ Mới 13, huyện Tri Tôn 5, huyện Châu Phú 10, TP. Long Xuyên 9, TX. Tân Châu 7, huyện Thoại Sơn 2, huyện Châu Thành 1, TX. Tịnh Biên 1 điểm). Sạt lở gây ảnh hưởng đến 95 căn nhà (huyện An Phú 50 căn, huyện Chợ Mới 7, TP. Long Xuyên 16, TX. Tân Châu 14, huyện Châu Thành 8 căn).

Ngoài ra, sạt lở còn làm thiệt hại nhiều tài sản (nhà kho, nhà máy, lò sấy...), ảnh hưởng đến lộ giao thông. Số vụ sạt lở 8 tháng của năm 2023 tăng hơn 2 lần so cùng kỳ (8 tháng của năm 2022, xảy ra 33 vụ sạt lở).

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, một trong số nguyên nhân chính gây tác động đến sạt lở là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, như: Nguồn nước từ thượng nguồn về ít dẫn đến mức nước trên các sông, kênh xuống thấp, mưa tập trung trong thời gian gần đây làm cho đất mềm yếu.

Ngoài ra, tác động của vùng thượng nguồn (phát triển thủy điện trên sông Mekong, sử dụng nước và chuyển nước) gây suy giảm bùn cát, suy giảm nguồn nước từ thượng nguồn về ĐBSCL. Trong khi đó, sự tác động của mực nước trên sông, rạch, biên độ chênh lệch của đỉnh triều - chân triều lớn, tác động của dòng thấm nước ngầm kết hợp ảnh hưởng mưa trong thời gian gần đây; hình thái dòng sông uốn cong, cấu trúc địa chất bờ sông yếu…

Những năm qua, dân cư phát triển làm tăng tải trọng xây dựng từ nhà ở, công trình kho bãi, nhà máy kiên cố, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông, bờ kênh làm tăng tải trọng, vượt khả năng chịu tải của bờ sông, bờ kênh; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông làm gia tăng tải trọng động và sóng. Đối với hệ thống đê bao, bờ bao trên địa bàn An Giang, phần lớn các tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn đều áp sát bờ kênh, hệ số mái đê rất nhỏ, không có cơ đê, trong khi chiều cao đê lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, tỉnh được Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kè tại các vị trí sạt lở, giúp chủ động, kịp thời ngăn chặn diễn biến sạt lở đường bờ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Tỉnh tăng cường tuyên truyền Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, giúp người dân ngày càng hiểu rõ việc cất mới, tái cất nhà ở ven sông, kênh, rạch là không an toàn, vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý.

Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp xây mới, tái cất nhà ở ven sông, kênh, rạch. Đồng thời, lồng ghép chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ di dời các hộ dân có khó khăn về nhà ở, đang sống ven sông, kênh, rạch đến ở vị trí mới, đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản. Nhờ đó, tình trạng xây mới, tái cất nhà ở ven sông, kênh, rạch và vi phạm hành lang sông, kênh, rạch giảm đáng kể.

Dù có nhiều cố gắng nhưng do tập quán sinh sống cặp bờ sông, kênh, rạch của người dân An Giang đã có từ lâu nên khó thay đổi. Đa số các hộ dân sống ven sông, kênh, rạch nằm trên các tuyến giao thông có điều kiện kinh doanh tốt, nên khi được bố trí nền vào ở các khu dân cư phòng, chống thiên tai thì bị ảnh hưởng sinh kế, có khuynh hướng quay trở lại cất nhà cặp hành lang sông, kênh, rạch…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình thiên tai, sạt lở trên địa bàn An Giang diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Bên cạnh sạt lở bờ sông thì sạt lở các kênh, rạch cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa, sản xuất và giao thông, gây mất an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Do vậy, tỉnh cần hỗ trợ nguồn kinh phí lớn để khắc phục sạt lở, sắp xếp dân cư và xây dựng hệ thống giao thông mới theo hướng xa bờ sông, kênh, rạch.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-pho-thien-tai-con-nhieu-kho-khan-a373651.html