Ứng phó thiên tai 2024: Hà Nội thành lập tổ xung kích ở từng xã, phường

Năm 2023 và những tháng đã qua của năm 2024, thiên tai xảy ra trên địa bàn Hà Nội đã ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân. Việc chủ động ứng phó thiên tai theo phương châm '4 tại chỗ' là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Giảm thiểu thấp nhất thiệt hại

Trong năm 2023 và 3 tháng đã qua của năm 2024, khu vực Hà Nội chịu ảnh hưởng của 21 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường; 12 đợt nắng nóng, trong đó đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt xảy ra từ ngày 16 - 23/5 với nhiệt độ cao nhất từ 40,1 - 41,30C. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai khác như: ngập lụt, sạt lở đất, sét, giông lốc, cháy rừng tự nhiên…

Tổng hợp báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, thiên tai đã khiến trên 670ha lúa, hoa màu và cây trồng bị thiệt hại; khoảng 180 cây xanh đô thị gãy, đổ; gần 2.000m đê, kè bị sạt, hư hỏng; gây sạt lở trên 1.000m kênh mương và tạo ra 20 sự cố về đê điều.

Các tổ xung kích đóng vai trò quan trọng trong ứng phó giờ đầu với những sự cố thiên tai. Ảnh: Diễn tập ứng phó thiên tại tại huyện Gia Lâm (TP Hà Nội).

Khi xảy ra tình hình sự cố, thiên tai, lãnh đạo TP Hà Nội, các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các phương án được duyệt. Kiểm tra hiện trường, chỉ đạo trực tiếp huy động lực lượng, phương tiện, vật chất đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, thiệt hại do các sự cố thiên tai trong năm 2023 và 3 tháng đã qua của năm 2024 trên địa bàn Hà Nội đã được giảm thiểu tối đa.

Đặc biệt, an toàn công trình đê điều, hồ, đập được đảm bảo; không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài ảnh hưởng tới năng suất cây trồng, phát triển của đàn vật nuôi và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Duy trì hoạt động 579 tổ xung kích

Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Vũ Văn Hòa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2024 tại khu vực Hà Nội có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Các cấp, ban ngành và người dân cần đề phòng những hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, rét hại, nắng nóng gay gắt, bão mạnh.

Năm 2024, TP Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng từ 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Nguy cơ mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn cũng có thể gây ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, vùng trũng thấp. Lũ lớn, lũ muộn, lũ rừng ngang có khả năng ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội...

Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sự cố thiên tai trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị UBND các cấp, các sở ngành sớm hoàn thiện tổ chức tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; từ đó rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2024.

Các sở ngành, địa phương cũng cần thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của các cấp, các ngành. Bố trí đủ nguồn lực để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị 30/30 quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, củng cố và duy trì hiệu quả hoạt động của 579 tổ xung kích phòng, chống thiên tai, với sự tham gia của 60.512 người, tại các xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng ở cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ứng phó chủ động, kịp thời với những sự cố thiên tai.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ung-pho-thien-tai-2024-ha-noi-thanh-lap-to-xung-kich-o-tung-xa-phuong.html