Ứng phó giá điện tăng

Ngày 4-5, Bộ Công thương điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh, tăng tương đương 3% so trước đó. Trước tình hình giá điện tăng, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tìm giải pháp ứng phó.

THAY ĐỔI THÓI QUEN SỬ DỤNG ĐIỆN

Để đến trường thuận tiện, em Huỳnh Hữu Duy - sinh viên năm nhất chuyên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, Khoa Cơ khí Trường Cao đẳng Kiên Giang thuê một phòng trọ trong hẻm trên đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) để ở. Mỗi tháng, Hữu Duy trả 900.000 đồng tiền thuê trọ, từ 100.000-120.000 đồng tiền điện và khoảng 30.000-50.000 đồng tiền nước.

“Do thời tiết nắng nóng nên khi ở phòng trọ, em phải mở máy lạnh. Hiện giá điện tăng em lo lắng tiền điện tháng này tăng cao hơn, ảnh hưởng chi phí sinh hoạt. Những ngày tới, em sẽ đến thư viện trường để làm bài và đọc sách, hạn chế sử dụng máy lạnh tại phòng trọ để tiết kiệm điện”, Hữu Duy cho biết.

3 tháng liền từ tháng 2 đến 4-2023, gia đình chị Lê Thị Bích Thủy, ngụ số 226 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá, sử dụng điện liên tục tăng. Cụ thể, tháng 2 gia đình chị sử dụng 919kWh điện, tương ứng số tiền phải trả 2.670.924 đồng; đến tháng 3 sử dụng 1.107kWh điện tương ứng 3.276.228 đồng; tháng 4 số điện năng tiêu thụ lên đến 1.528kWh, tương ứng 4.659.582 đồng.

Chị Lê Thị Bích Thủy cho biết: “Tháng 4 thời tiết quá oi bức, gia đình tôi mở máy lạnh xuyên suốt nên sản lượng điện tiêu thụ tăng, hóa đơn tiền điện tăng thêm 1,3 triệu đồng so tháng 3 và tăng 1,9 triệu đồng so tháng 2. Giá điện điều chỉnh tăng 3%, thêm vào đó nắng nóng kéo dài nên tôi dự đoán tiền điện sẽ tăng cao trong tháng 5. Do đó, tôi vận động thành viên trong gia đình tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, nhất là giảm thời gian sử dụng máy lạnh trong một ngày để tiết kiệm điện”.

Ông Hồ Trọng Thiên, ngụ số 1067 đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá, nói: “Giá điện tăng 3% đối với một hộ gia đình thì không cao so chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, nếu các dịch vụ, hàng hóa khác cũng tăng theo giá điện thì chi phí sinh hoạt của gia đình đẩy lên cao”. Theo ông Thiên, sử dụng điện là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày lẫn sản xuất. Các đợt tăng giá điện trước đây đều kéo theo tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác.

TẬP TRUNG SẢN XUẤT VÀO GIỜ THẤP ĐIỂM

Theo ông Cao Thanh Lương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, giá điện bán lẻ tăng 3% là không cao nhưng vẫn tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, đặc biệt đối với một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như may mặc, giày da, chế biến thủy sản, xi măng…

Ông Lương nói: “Tại các nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang có lắp điện năng lượng mặt trời, nhưng bình quân mỗi tháng công ty tiêu thụ gần 300.000kWh điện, tương đương 620 triệu đồng, chiếm khoảng 1,2% tổng chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện đồng nghĩa với chi phí điện tăng. Với mức giá điện tăng 3% và với quy mô hiện tại, công ty tăng chi phí điện khoảng 20 triệu đồng/tháng. Sắp tới, khi công ty mở rộng nhà máy sản xuất, chi phí này sẽ tăng thêm”.

Để tiết kiệm điện trong sản xuất, ông Cao Thanh Lương cho biết Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, tắt các thiết bị, máy móc sản xuất khi không sử dụng. Đồng thời, yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân tăng năng suất lao động, hạn chế làm việc trong giờ cao điểm.

Công nhân ngành điện kiểm tra hệ số phụ tải tại trạm biến áp 110kV Gò Quao.

Là một doanh nghiệp chuyên về may mặc xuất khẩu, hàng tháng Nhà máy may Vinatex Kiên Giang có sản lượng điện tiêu thụ lớn. Trước tình hình giá điện tăng, nhà máy bắt đầu thực hiện phương án sản xuất linh hoạt để tiết kiệm điện.

Ông Nguyễn Trí Kiên - Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Nhà máy may Vinatex Kiên Giang cho biết: “Nhà máy có trên 1.500 máy các loại cho 20 dây chuyền sản xuất. Mô hình sản xuất khép kín từ nguyên phụ liệu, cắt, may, ủi, đóng gói và hầu hết các khâu sản xuất đều sử dụng điện. Giá điện điều chỉnh tăng, nhà máy đã xây dựng phương án tập trung sản xuất vào các giờ thấp điểm để tiết kiệm lượng điện tiêu thụ trong quá trình sản xuất”.

Theo ông Khưu Văn Quang - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang, công ty đang quản lý 537.141 khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, chiếm 93,49% tổng số khách hàng. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tương đương mức tăng 3% thì giá bán lẻ của các nhóm khách hàng sinh hoạt sẽ có mức tăng khác nhau.

Theo ông Nguyễn Trí Kiên, điều khiến doanh nghiệp lo lắng hơn là việc tăng giá điện luôn tạo hiệu ứng tăng giá của hầu hết các mặt hàng nguyên liệu khác. Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khi giá điện tăng phải tăng giá thành sản phẩm. Nhưng thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thời điểm này rất ngại tăng giá sản phẩm vì lo sức mua giảm, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ.

Để hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá điện, các doanh nghiệp cần bù đắp bằng việc tăng năng suất lao động, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và giảm thiểu các chi phí sản xuất khác.

Bài và ảnh: HUỲNH LÀI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/ung-pho-gia-dien-tang-13828.html