Ứng dụng số hóa hồ sơ trong xét xử vụ án hình sự

Trên cơ sở xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, bảo đảm các chứng cứ buộc tội chắc chắn, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt chú trọng việc tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ vụ án để công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.

Kiểm sát viên công bố chứng cứ tại phiên tòa xét xử vụ án Bùi Văn Hà phạm tội "giết người", "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".

Kiểm sát viên công bố chứng cứ tại phiên tòa xét xử vụ án Bùi Văn Hà phạm tội "giết người", "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".

Sáng 23/6, Phòng 2, VKSND tỉnh chủ trì phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến và số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đối với vụ án Bùi Văn Hà phạm tội "giết người", "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng". Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Văn Hà không thừa nhận hành vi phạm tội. Kiểm sát viên (KSV) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã công bố bằng hình ảnh các tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra được số hóa làm căn cứ buộc tội bị cáo Bùi Văn Hà. Việc thực hiện phiên tòa số hóa giúp KSV tăng sự thuyết phục trong tranh luận, xét hỏi, đấu tranh với bị cáo. Trên cơ sở đó cùng với đề nghị của KSV giữ quyền công tố tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã ban hành bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Hà 7 năm tù giam.

Tiêu chí chọn vụ án để thực hiện số hóa hồ sơ và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của đơn vị là ưu tiên lựa chọn các vụ án có nhiều bị cáo, có luật sư tham gia, vụ án có tình tiết phức tạp để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến và số hóa hồ sơ của VKSND tạo điều kiện cho cán bộ, KSV trong các đơn vị học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của KSV.

Trong 6 tháng đầu năm, VKSND 2 cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm 423 vụ/750 bị cáo; thụ lý kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm 42 vụ/65 bị cáo. Tòa án đã giải quyết 312 vụ/528 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm, trong đó, xét xử 310 vụ/525 bị cáo, đình chỉ xét xử 2 vụ/3 bị cáo (do bị hại rút đơn yêu cầu), đạt 74%; xét xử 33 vụ/55 bị cáo theo thủ tục phúc thẩm, trong đó, xét xử 19 vụ/37 bị cáo, đình chỉ xét xử 14 vụ/18 bị cáo (do bị cáo rút đơn kháng cáo), đạt 79%. Không có trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử tuyên không phạm tội.

Đồng thời, phối hợp Tòa án tổ chức 78 phiên tòa rút kinh nghiệm (có 1 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến 2 cấp và 2 phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm thi đua), 4 phiên tòa thực hiện theo thủ tục rút gọn, báo cáo án chuẩn bị xét xử bằng sơ đồ tư duy 11 vụ án, số hóa và trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa đối với 3 vụ án. Lãnh đạo VKSND 2 cấp trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với 63 vụ án.

Thông qua công tác kiểm sát xét xử vụ án hình sự, VKSND tỉnh đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với 4 vụ/5 bị cáo, 2 báo cáo đề nghị VKSND cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm. Tòa án đã xét xử, chấp nhận kháng nghị 1 vụ/1 bị cáo, không chấp nhận kháng nghị 1 vụ/2 bị cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị 1 vụ/1 bị cáo. Ban hành 7 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm, 4 thông báo rút kinh nghiệm đối với VKSND cấp huyện.

Đồng chí Ngô Bảo Ngọc, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, VKSND 2 cấp tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác số hóa hồ sơ án hình sự, việc số hóa không chỉ thực hiện trong giai đoạn truy tố, chuẩn bị chuyển hồ sơ sang Tòa án, mà thực hiện xuyên suốt quá trình từ khi bắt đầu thụ lý đến khi kết thúc điều tra, truy tố nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Phối hợp tổ chức thêm nhiều phiên tòa số hóa hồ sơ, công bố công khai tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, âm thanh tại phiên tòa, góp phần nâng cao kỹ năng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự; tạo điều kiện cho KSV, kiểm tra viên, chuyên viên học tập, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số của ngành.

ĐInh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/181319/ung-dung-so-hoa-ho-so-tr111ng-xet-xu-vu-an-hinh-su.htm