Ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong điều tra tội phạm

Đằng sau các hình ảnh đôi khi có vẻ lỗi thời của cảnh sát tư pháp tại nhiều nước trên thế giới thực sự che khuất đi những cuộc cách mạng công nghệ đang phát triển vũ bão, những cuộc cách mạng sẽ định hình lại cách thức điều tra tội phạm trong tương lai. Từ những công nghệ mang đến nhiều hứa hẹn nhất đến những công nghệ gây tranh cãi nhất, đó là những điểm nổi bật nhất của các phương pháp điều tra đang được nhắm tới trong tương lai.

Những chiến công của công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Câu chuyện được phát trên trang web của công ty Mỹ Clearview AI, và đã được giới truyền thông hai bờ Đại Tây Dương săn đón rộng rãi: một người đàn ông đã đăng video cưỡng hiếp một bé gái 7 tuổi trên một trang web đen. Kẻ ấu dâm chỉ xuất hiện lướt qua vài giây trong đoạn video này, điều này không cho phép công lý tìm ra danh tính của hắn. Người đàn ông này rất kín đáo trên mạng xã hội, hắn không hề đăng tải gì và chưa bao giờ lộ mặt.

Nhưng bằng cách tích hợp những hình ảnh ngắn ngủi thu được vào ngân hàng tìm kiếm Clearview AI, cảnh sát đã tìm ra được một bức ảnh của hắn: kẻ ấu dâm tình cờ xuất hiện ở hậu cảnh của một bức ảnh do một vài vận động viên thể hình tự chụp trong phòng tập gym và qua bức ảnh đó, nhà chức trách đã lần ra hắn. Kẻ ấu dâm sau đó đã bị kết án 35 năm tù.

Clearview AI đã thu thập hàng tỷ hình ảnh công khai để xây dựng phần mềm nhận dạng khuôn mặt của mình và đã bị YouTube, Google và Twitter yêu cầu dừng lại

Có khá nhiều câu chuyện thuộc loại này đã được ghi nhận lại, chẳng hạn như câu chuyện liên quan đến một tai nạn chết người vào ngày 1/3/2017 ở Fort Myers, Florida. Bị nghi ngờ là người điều khiển phương tiện gây tai nạn, một người lái xe đã bị truy tố tội ngộ sát, nhưng luật sư của anh ta đã kêu gọi Clearview AI hỗ trợ để tìm ra danh tính của một nhân chứng, người đã có khuôn mặt được ghi lại trong một bức ảnh khá rõ nét thông qua bodycam của một trong những viên cảnh sát có mặt tại hiện trường.

Trên trang web của mình, công ty Clearview AI tự hào rằng họ đã xác định được nhân chứng này chỉ "trong hai giây", nhờ vào một bức ảnh chụp anh ta tại một hộp đêm ở Tampa. Lời khai của anh ta đã dẫn đến việc hủy bỏ các cáo buộc vào ngày 28/7/2022.

Nếu đây là hai kết quả tích cực đối với việc sử dụng dịch vụ của công ty Mỹ này, thì những hoạt động khác lại bị chỉ trích mạnh mẽ. Những lời phê phán chỉ trích không chỉ liên quan tới việc xâm phạm quyền riêng tư khi mà dữ liệu được tải xuống không có sự đồng ý của (các) chủ sở hữu, việc chỉ trích còn nhắm tới những lỗi lầm mà loại công cụ này có thể gây ra và dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng - đấy là còn chưa bàn đến việc dữ liệu nhạy cảm được giao cho một cá nhân hay một công ty và rằng nhiều quốc gia có thể sẽ lạm dụng công nghệ này để "theo dõi giám sát" cư dân của họ. Kể từ năm ngoái tại Mỹ, theo thủ tục pháp lý do ACLU (Hiệp hội tự do dân sự Mỹ) khởi xướng, việc sử dụng cơ sở dữ liệu "khuôn mặt" của Clearview AI chỉ được giới hạn trong phạm vi các cơ quan chính phủ.

Vào tháng 6/2022, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một dự thảo quy định cấm điều đó. Ngoài ra, Clearview AI đã bị lên án ở nhiều quốc gia vì đã tự ý chuyển các dữ liệu công ty này đã tải xuống ra khỏi lãnh thổ của họ. Ủy ban Quốc gia về Máy tính và Quyền tự do của Pháp (Cnil) đang yêu cầu công ty nộp phạt hàng triệu euro, nhưng điều này vẫn không ngăn cản được các vụ vi phạm tiếp tục xảy ra.

Tháng 2/2022, Cơ quan Kiểm soát Thông tin Cảnh sát Bỉ (COC), sau khi tìm hiểu về chủ đề này, đã công bố một báo cáo về cách thức hoạt động của các phần mềm nhận dạng khuôn mặt, quá trình này thường được chia thành 3 giai đoạn. Đầu tiên là ghi lại hoặc tìm kiếm nguồn cung cấp hình ảnh. Thứ hai là việc sử dụng một phần mềm cụ thể có khả năng nhận dạng các đặc điểm riêng của người trong ảnh: "Thao tác này có thể được coi là việc đăng ký - và cũng là xử lý - dữ liệu sinh trắc học thông qua chuyển đổi dữ liệu "thô" (bản ghi của các đặc điểm khuôn mặt) vào trong một mã duy nhất được mã hóa và lưu trữ nó trên một phương tiện (cái này được gọi là template-mẫu)". Mã duy nhất được mã hóa này giúp xác định một cá nhân và phân biệt họ với các cá nhân khác. Giai đoạn thứ ba bao gồm so sánh mẫu này với các hình ảnh khác: nếu các đặc điểm của khuôn mặt là trùng khớp, chúng ta sẽ nói rằng đã có một "cú đánh trúng lỗ" và kết quả này sẽ được chính thức hóa".

Công nghệ nhận dạng đã vận hành như thế nào?

Việc tạo ra Clearview AI được bắt đầu từ năm 2017. Kể từ đó, công ty có trụ sở tại New York này đã liên tục thu thập các bức ảnh và thông tin người dùng được chia sẻ trên các mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, Instagram hoặc Twitter. Việc quét web này (một kỹ thuật cho phép trích xuất dữ liệu tự động từ các trang internet) đã cho phép công ty xây dựng một cơ sở dữ liệu gồm hàng chục tỷ hình ảnh, cơ sở dữ liệu này sẽ còn tiếp tục phát triển với mức đầu tư tối thiểu.

Phần mềm Smartcheckr được công ty này phát triển đã sử dụng các thuật toán nhận dạng khuôn mặt của mình để gắn kết các khuôn mặt tương tự lại với nhau nhằm tạo ra một loại album ảnh của từng cá nhân được liệt kê. Mỗi hình ảnh được lưu giữ kèm theo nguồn của nó, người dùng Clearview AI có thể dựa trên một bức ảnh đơn giản chẳng hạn được chụp trong tàu điện ngầm hoặc từ hình ảnh giám sát video để tìm tài khoản Facebook của người đó cũng như tất cả thông tin được chia sẻ ở đó.

Hình ảnh văn phòng do lãnh đạo công ty chia sẻ, hình ảnh các bữa tiệc do nhà tổ chức phát sóng: mọi thứ đều được trí tuệ nhân tạo tiếp thu và phân loại sắp xếp vào các hồ sơ lưu trữ, do đó có thể tạo ra những mối liên kết giữa một bức ảnh với tên, nghề nghiệp hoặc thậm chí là tuổi của những người xuất hiện trong các bức ảnh, ngay cả khi các trang web chứa những thông tin được trích xuất nêu rõ trong các điều khoản sử dụng rằng điều này là không cho phép.

Theo đánh giá của Tổ chức Ân xá Quốc tế, các công cụ như Clearview AI hiện nay đã nhận dạng khuôn mặt kém nhạy bén hơn đối với những người bị kỳ thị chủng tộc: "Trí tuệ nhân tạo học cách nhận dạng khuôn mặt dựa trên tất cả những khuôn mặt mà nó tìm thấy trên web", Jean-Francois Henrotte, luật sư chuyên về luật công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho biết: "Trong số một lượng khổng lồ các hình ảnh phát tán trên mạng, hình ảnh của những đàn ông da trắng luôn chiếm ưu thế và do đó phần mềm trong quá trình "học máy" được hiệu chỉnh nhạy bén và tinh vi hơn nhiều đối với trường những người đàn ông da trắng".

Phần mềm nhận dạng khuôn mặt cũng sẽ được đào tạo ít hơn để có khả năng nhận biết cảm xúc của những đối tượng da màu. Chúng có thể nhầm lẫn về các dấu hiệu hung hăng khi thực tế là không có, kèm theo đó là những rủi ro mà chúng ta nên lo lắng một khi có sự can thiệp của cảnh sát. Có rất nhiều ví dụ về những trường hợp nhầm lẫn như vậy, chẳng hạn như trường hợp đã xảy ra với Robert Williams, người bị cảnh sát Detroit bắt giữ vào năm 2020 trước mặt hai cô con gái 2 và 5 tuổi của anh ta do lỗi trong phần mềm nhận dạng khuôn mặt.

Một nghiên cứu của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (Nist) đo lường tác động của chủng tộc, tuổi tác và giới tính đối với các hệ thống nhận dạng khuôn mặt được sử dụng phổ biến ở Mỹ đã phát hiện ra nhiều kết quả dương tính giả hơn ở nhóm người Mỹ gốc Phi, đặc biệt là ở phụ nữ.

Kho thông tin thu được từ những video giám sát

Ngày 14/6/2023, một số nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu đã đề xuất một dự thảo luật có tên gọi là Đạo luật AI, nó bao gồm các khung pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Những người đề xuất đạo luật đề nghị cấm các loại trí tuệ nhân tạo "chứa đựng những rủi ro không thể chấp nhận được và được coi là mối đe dọa đối với công dân", bao gồm cả nhận dạng khuôn mặt. Các nghị sĩ cũng tán thành một ngoại lệ đối với các hệ thống nhận dạng sinh trắc học trong đó việc nhận dạng được phép diễn ra sau một thời gian trì hoãn nhất định: chúng sẽ được cấp phép trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, "nhưng chỉ sau khi có sự chấp thuận của tòa án".

Tuy nhiên, nằm ngoài mọi khung pháp lý, "Clearview AI" đã từng được thử nghiệm ở Bỉ. Năm 2019, hai thành viên của Cảnh sát Tư pháp Liên bang của Bỉ thuộc bộ phận "Chống lạm dụng Trẻ em" đã được mời tham gia lực lượng đặc nhiệm của Europol. Trong nhóm này cũng có sự tham gia của một số nhân viên FBI. Trong quá trình hoạt động điều tra, họ đã nhận được sự cho phép đặc biệt để dùng thử phần mềm nhận dạng khuôn mặt của Clearview AI ở đó, bằng cách nhận giấy phép thử nghiệm. Bị COC thẩm vấn, hai cảnh sát tư pháp liên bang này đã thú nhận rằng từ năm 2019 đến ngày 10/2/2020, họ và các đồng nghiệp trong nhóm đặc nhiệm đã sử dụng công nghệ này 78 lần, trong bối cảnh điều tra liên quan đến lạm dụng tình dục tiềm ẩn đối với trẻ vị thành niên.

COC than thở: "Điều này có nghĩa là Cảnh sát Tư pháp Liên bang đã tiết lộ dữ liệu của cảnh sát cho bên thứ ba - một công ty tư nhân nước ngoài. Việc sử dụng thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt của cảnh sát tại Sân bay Quốc gia Brussels để thử nghiệm, trong cùng thời gian đó, cũng đã được phanh phui ra: "Trong quá trình xử lý các dữ liệu cá nhân như vậy, Luật bảo vệ dữ liệu (LPD) và luật về chức năng của cảnh sát (LFP) phải được tôn trọng và không có quy định nào cho phép vi phạm các khuôn khổ pháp lý này, ngay cả khi đó hoàn toàn là giai đoạn thử nghiệm hoặc dự án thí điểm", COC nhấn mạnh.

Dương Đăng Hưng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/ung-dung-cong-nghe-nhan-dang-khuon-mat-trong-dieu-tra-toi-pham-i707113/