Ứng dụng công nghệ nghiên cứu thị trường của ITC để mở rộng xuất khẩu

Ngày 29-11, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Ứng dụng công nghệ nghiên cứu thị trường của ITC để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu'.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tuấn Linh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, Chuyên gia Kinh tế độc lập Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ Hoàng Ngọc Oanh trình bày các nội dung: Giới thiệu hệ thống công cụ nghiên cứu thị trường trên ITC, hướng dẫn và ứng dụng các công cụ; nghiên cứu các rào cản thương mại/yêu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước thông qua công cụ ITC; các loại rào cản phi thế quan trong thương mại quốc tế và các hướng dẫn.

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB - thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trình bày giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử alibaba.com. Các đại biểu, doanh nghiệp và diễn giả cùng chia sẻ về các vấn đề sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hậu Covid-19.

Doanh nghiệp tham gia hội thảo.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tuấn Linh cho biết, trong thời đại mà công nghệ thông tin đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất và kinh doanh, thì việc tổ chức, thực hiện phân tích và nghiên cứu thị trường bằng hình thức nghiên cứu thông tin thứ cấp qua Internet là một phương thức hữu ích giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, và có thể tiếp cận các thông tin thị trường, tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Chuyên gia Kinh tế độc lập Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ Hoàng Ngọc Oanh giới thiệu hệ thống công cụ nghiên cứu thị trường trên ITC tại hội thảo.

“Hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được cách thức triển khai, thực hiện phân tích và nghiên cứu thị trường thông qua các công cụ như Trade Map, Mac Map của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) - một tổ chức thuộc Liên Hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thành lập nhằm hỗ trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nước đang phát triển. Qua sử dụng các công cụ này để khai thác kho dữ liệu về thương mại đã được ITC thiết lập trên mạng Internet, nắm được cấu trúc và xu hướng của thị trường thế giới, giúp ích cho các doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu, các thể chế xúc tiến thương mại và các nhà hoạch định chính sách trong quá trình hoạt động” - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tuấn Linh thông tin thêm.

Quang cảnh Hội thảo

Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, hoạt động xuất nhập khẩu của Tiền Giang tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,2 tỷ USD; năm 2016 đạt 2 tỷ USD; năm 2019 đạt mốc 3 tỷ USD; năm 2022 lên đến 4 tỷ USD và ước năm 2023 đạt khoảng 4,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đứng thứ 2 (sau Long An) trong 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số hạn chế, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Trong đó, có cả hạn chế thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu. Rất ít doanh nghiệp tham gia được vào mạng sản xuất, mạng phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu. Quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh doanh trên nền tảng kinh tế số, công nghệ số diễn ra chậm.

Qua hội thảo giúp các doanh nghiệp cải thiện các kỹ năng áp dụng kỹ thuật số, phát huy lợi thế công nghệ để thay đổi và thích ứng các mô hình kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và giới thiệu hệ thống công cụ nghiên cứu thị trường của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/ung-dung-cong-nghe-nghien-cuu-thi-truong-cua-itc-de-mo-rong-xuat-khau-997137/