Ukraine tiết lộ vũ khí hạ oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga

Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết, quân đội nước này đã theo dõi oanh tạc cơ Tu-22M3 Nga trong một tuần trước khi phóng tên lửa phòng không S-200 để bắn hạ. Phía Nga chưa đưa ra phản bác thông tin này.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/4 thông báo một chiếc oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 của nước này đã bị rơi ở vùng Stavropol "do lỗi kỹ thuật".

Trong khi đó, cơ quan tình báo Ukraine (GUR) công bố video cho thấy hoạt động của lực lượng Ukraine bên trong đài chỉ huy của hệ thống phòng không đã bắn hạ chiếc Tu-22M3.

Phía Nga cho biết, các phi công Tu-22M3 đã nhảy dù ra ngoài, một người thiệt mạng, hai người sống sót và giới chức vẫn đang tìm kiếm người thứ 4.

Video trên mạng xã hội cho thấy chiếc phi cơ xoay nhiều vòng với động cơ bị bốc cháy, trong lúc rơi xuống mặt đất theo chiều gần như thẳng đứng.

Tướng Mykola Oleshchuk, Tư lệnh không quân Ukraine, ngày 19/4 tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã hợp tác với Tổng cục Tình báo Quốc phòng (GUR) bắn hạ chiếc Tu-22M3.

Tư lệnh không quân Ukraine nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên nước này bắn hạ được oanh tạc cơ Nga từ đầu chiến sự.

Lãnh đạo GUR Kyrylo Budanov sau đó cho biết, oanh tạc cơ Nga đã bị tổ hợp phòng không S-200 nhắm bắn từ khoảng cách 308 km, sau khi vừa thực hiện vụ phóng tên lửa vào nước này.

Theo ông Kyrylo Budanov, lực lượng Ukraine đã theo dõi chiếc Tu-22M3 trong một tuần trước khi tung đòn đánh quyết định.

"Đây là cuộc phục kích. Chúng tôi đợi nó đến vị trí mình mong muốn rồi phóng tên lửa", tướng Budanov cho hay.

Tổng cục Tình báo Quốc phòng cho biết, sau khi chịu thiệt hại do đòn đánh, chiếc Tu-22M3 vẫn có thể bay tới Stavropol rồi mới rơi.

Tính đến năm 2010, Ukraine được cho là còn triển khai 4 tổ hợp S-200, bên cạnh 12 hệ thống không hoạt động.

Một số thông tin cho biết Kiev đã loại biên khí tài này vào năm 2013, song đã đưa chúng trở lại biên chế sau khi xung đột với Nga bùng phát, đồng thời trang bị thêm tính năng tấn công mục tiêu trên đất liền.

"Rồng lửa" S-200 Angara/Vega/Dubna, tên ký hiệu NATO SA-5 Gammon là hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa, trần bắn từ trung bình đến cao.

Chúng được thiết kế nhằm bảo vệ những mục tiêu lớn khỏi các máy bay ném bom hoặc các loại máy bay chiến lược khác của phương Tây (như SR-71 Blackbird).

Mỗi tiểu đoàn biên chế gồm 6 bệ phóng tên lửa đơn và đài radar điều khiển hỏa lực. Hệ thống phòng không S-200 còn có thể liên kết với các hệ thống radar tầm xa khác.

Dù ra đời trong thập niên 1960-1970, tổ hợp S-200 vẫn có khả năng nâng cấp sâu, cho phép kết nối và chia sẻ dữ liệu với những hệ thống phòng không hiện đại như S-300.

Mỗi quả đạn 5V28 của S-200 dài 10,8 m, nặng 7,1 tấn và mang đầu đạn nổ mảnh nặng 217 kg hoặc đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương 25.000 tấn thuốc nổ TNT.

Tên lửa dùng ngòi nổ chạm hoặc cận đích cho đầu đạn thông thường, trong khi đầu đạn hạt nhân chỉ được kích hoạt bằng lệnh thủ công.

Tên lửa S-200 áp dụng cơ cấu dẫn đường bằng radar bán chủ động (SARH) kết hợp với cập nhật pha giữa bằng tín hiệu vô tuyến.

Sử dụng phương thức SARH trên toàn hành trình giúp tăng độ chính xác của S-200 ở khoảng cách lớn.

Vì thế S-200 cải thiện đáng kể hiệu quả so với dùng tín hiệu điều khiển vô tuyến thủ công trên mẫu S-75 Dvina trước đó.

Quả đạn có tốc độ tối đa 9.000 km/h, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 300 km và độ cao 40 km.

Tên lửa được trang bị 4 động cơ đẩy sơ tốc PRD-81/5S28 hoạt động bằng nhiên liệu rắn.

Tầng đẩy PRD-81/5S28 chỉ hoạt động trong tối đa 5 giây, giúp đạn 5V28 đạt tốc độ đủ lớn trước khi kích hoạt động cơ chính.

Sau đó, 4 động cơ đẩy sơ tốc sẽ được tách khỏi thân đạn để giảm khối lượng và lực cản.

Điểm yếu của hệ thống S-200 chính là sử dụng bệ phóng cố định và radar cồng kềnh, không có khả năng cơ động trong điều kiện chiến tranh.

Một số nước như Iran từng hiện đại hóa S-200 để giảm thời gian triển khai và thu hồi.

Ngoài ra một số quốc gia lại cải tiến S-200 để chúng trở thành tên lửa đất đối đất.

Điều này được coi là giải pháp giá rẻ nhằm tận dụng số lượng tên lửa phòng không S-200 còn trong trang bị.

Trong bối cảnh tác chiến điện tử trên chiến đấu cơ ngày càng hiệu quả nhằm chống lại tên lửa đất đối không, S-200 sẽ khó hiệu quả trong tác chiến hiện đại, vì vậy biến chúng thành tên lửa đất đối đất là giải pháp hợp lý.

Bên cạnh đó, S-200 được cho là đã nâng cấp để vẫn tạo ra mức độ cực nguy hiểm trong tác chiến phòng không hiện đại.

Tờ Ukrainska Pravda dẫn một nguồn tin của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) từng cho biết lực lượng Ukraine sử dụng hệ thống phòng không S-200 để bắn hạ máy bay Nga.

Đó là lần thứ hai Kiev tuyên bố bắn hạ "radar bay" A-50U của Nga trong năm nay. Trước nữa hôm 14/1, Quân đội Ukraine thông báo đã phá hủy một chiếc A-50 và làm hư hại nặng một máy bay chỉ huy Il-22 của Nga tại khu vực gần Biển Azov.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ukraine-tiet-lo-vu-khi-ha-oanh-tac-co-tu-22m3-cua-nga-post573961.antd