Ukraine sẽ mua vũ khí gì với gói viện trợ quân sự 61 tỉ USD của Mỹ?

Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ 61 tỉ USD cho Ukraine. Vậy nước này có thể mua sắm những vũ khí nào với số tiền đó?

Gói viện trợ quân sự mới đã được Thượng viện Mỹ thông qua có thể giúp Ukraine tạo ra sự khác biệt trên chiến trường? (Ảnh: BBC)

Gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD cho Ukraine đã được Thượng viện Mỹ thông qua và đang được chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden để ký thành luật. Vậy Ukraine có thể nhận được loại vũ khí nào và họ có thể tạo ra sự khác biệt ra sao khi cố gắng ngăn chặn bước tiến của Nga?

Theo các chuyên gia phân tích, loại vũ khí mà Ukraine cần có nhất hiện nay bao gồm 3 loại: hệ thống phòng không, tên lửa tầm trung đến tầm xa và đạn pháo. Đây là những vũ khí mà Ukraine có thể mua bằng khoản viện trợ mới.

Hệ thống phòng không

Phòng thủ trước các đòn không kích của Nga mang yếu tố sống còn đối với Ukraine trong việc bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của họ, như các nhà máy điện.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay đất nước ông đã bị tấn công bởi gần 1.200 tên lửa, hơn 1.500 drone và 8.500 bom định hướng của Nga, chỉ tính riêng trong năm nay.

Ukraine hiện có nhiều hệ thống do phương Tây cung cấp, từ các tên lửa tầm ngắn vác vai Stinger cho đến những hệ thống tiên tiến – và cực kỳ đắt tiền – như Patriot. Ông Zelensky nói rằng quân đội Ukraine cần ít nhất 7 hệ thống Patriot.

Các tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga – bao gồm các tên lửa đất đối không được cải biến S-300 và S-400 – cùng với hàng trăm drone Shahed-136 do Iran chế tạo là rất khó đánh chặn bởi chúng được phóng với số lượng lớn.

Một chiến thuật cổ điển để áp đảo lực lượng phòng không là tấn công chúng bằng nhiều mục tiêu cùng lúc, từ đó chiếm giữ hệ thống radar thu thập và theo dõi của chúng, đồng thời làm cạn kiệt kho tên lửa.

Các tên lửa tầm xa

Bên cạnh đó, cuộc chiến trên mặt đất cũng rất quan trọng. Kể từ tháng 10 năm ngoái, Ukraine đã mất gần 583 km2 lãnh thổ phía Đông vào tay các lực lượng Nga, chủ yếu là do thiếu hệ thống pháo kích.

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) đóng vai trò chủ chốt đối với Ukraine, giúp quân đội nước này triển khai các loại đạn định hướng từ một nền tảng di động.

Hệ thống này sẽ đi đến vị trí tấn công, thiết lập,khai hỏa và nhanh chóng rời khỏi trước khi lực lượng Nga có thể định vị và tấn công hệ thống phóng. Bởi vậy, có khả năng Ukraine sẽ mua thêm hệ thống này, và có thể là cả xe tăng và mẫu xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Đáng chú ý, phiên bản tầm xa của Hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) của Mỹ được cho là đã sẵn sàng chuyển giao cho phía Ukraine.

Các hệ thống ATACMS cũ hơn đã được chuyển cho Ukraine từ cuối năm ngoái, nhưng phiên bản mới hơn có thể nâng tầm bắn gấp đôi, lên 300 km.

Đạn pháo

Ukraine có lẽ cũng sẽ không quên những vũ khí truyền thống. Lựu pháo M777 Howitzer của họ hiện đang cần thêm đạn pháo 155mm.

Mỹ đã gửi 2 triệu trái đạn pháo như vậy cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 và dự kiến sẽ chuyển thêm trong gói viện trợ quân sự mới nhất. Phía Mỹ cho hay họ có một “mạng lưới hậu cần mạnh mẽ” để chuyển giao vũ khí nhanh chóng, chỉ trong vài ngày.

Hàng viện trợ rất có thể đã được chuyển tới sát Ukraine, và một khi được chuyển giao, chúng sẽ chính thức trở thành tài sản của Ukraine. Tuy nhiên, để vận chuyển số vũ khí trên đến tiền tuyến – đặc biệt là trang thiết bị pháo kích – có thể mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần lễ, bởi các lực lượng Nga đang tiếp tục tấn công khu vực phía Đông.

Tuần trước, Nga cho hay họ sẽ tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các trung tâm hậu cần và kho dự trữ có chứa vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Ukraine.

Chiến đấu cơ F-16

Các phi công và phi hành đoàn Ukraine vẫn đang tiếp tục quá trình huấn luyện chuyển đổi sang máy bay phản lực F-16 của phương Tây, số máy bay này hiện đang ở Romania. Những chiến đấu cơ đa nhiệm này cung cấp khả năng không đối không và không đối đất mạnh mẽ hơn, qua đó có thể cải thiện khả năng phòng không của Ukraine.

Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ dự kiến sẽ chuyển giao lô F-16 “viper” đầu tiên cho Ukraine trong vài tháng. Những chiến đấu cơ này được phương Tây cho là sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường, và là “mũi tên” mới trong bao đựng tên của Kiev.

Trong khi đó, Nga bác bỏ tuyên bố trên, cho rằng F-16 sẽ không tạo nên nhiều sự khác biệt trên chiến trường và sẽ bị các lực lượng của họ bắn hạ.

Theo BBC

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ukraine-se-mua-vu-khi-gi-voi-goi-vien-tro-quan-su-61-ti-usd-cua-my-post174497.html