Ukraine phản công chậm trễ đặt Mỹ vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan'

Theo các quan chức phương Tây, nhịp độ phản công chậm của Ukraine trước lực lượng Nga đã làm lu mờ hy vọng rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh có thể diễn ra trong năm nay và dấy lên lo ngại về cuộc xung đột không hồi kết.

Lựa chọn không dễ dàng của Mỹ dành cho Ukraine

Thế bế tắc của Ukraine trong cuộc phản công có thể sẽ là thử thách đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, khi Mỹ đã viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine, nhằm tạo điều kiện cho Kiev chiếm ưu thế trên bàn đàm phán với Moscow. Việc Ukraine phản công chậm trễ cũng là phép thử đối với khả năng tiếp tục cung cấp vũ khí của phương Tây cho Kiev.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào các vị trí của Nga ở vùng Zaporizhzhia, miền Đông Ukraine. Ảnh: Zuma Press

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào các vị trí của Nga ở vùng Zaporizhzhia, miền Đông Ukraine. Ảnh: Zuma Press

“Việc cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ trở nên dễ dàng khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Nhưng chính quyền Tổng thống Biden không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine”, John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho biết.

“Nếu Mỹ không tiếp tục chuyển vũ khí cho Ukraine, điều này sẽ tạo cơ hội cho Nga giành ưu thế nhiều hơn trong cuộc xung đột. Đây sẽ khó khăn đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden”, ông Herbst nói.

Tuy nhiên, chiến lược giữ nguyên lộ trình cung cấp viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có một số rủi ro. Nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ đạo cung cấp hơn 43 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine, nhưng đang phải đối mặt với những thách thức tại Quốc hội từ một số thành viên của đảng Cộng hòa.

Tuần trước, 13 thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã ủng hộ một sửa đổi đối với dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm, vốn sẽ hạn chế khả năng hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, với tỷ lệ áp đảo 71 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phản đối nỗ lực cắt giảm viện trợ cho Ukraine.

Tổng thống Biden sẽ tái tranh cử vào mùa thu năm 2024 và nhiều quan chức Mỹ cho rằng tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với chiến dịch tranh cử sẽ khiến chính quyền Mỹ ngày càng thận trọng về mức độ hỗ trợ dành cho Ukraine. Hai trong số những ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump và Thống đốc Florida Ron DeSantis đã gợi ý rằng họ có thể hạn chế trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trong khi đó, theo các nhà quan sát phương Tây, Nga dường như ít có mong muốn ngồi vào bàn đàm phán ở thời điểm hiện tại.

Cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào đầu tháng 6 nhằm giành lại lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát. Mặc dù Ukraine đã chiếm lại một số lãnh thổ nhưng họ vẫn chưa đạt được bước đột phá nào để có thể buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán.

“Kỳ vọng của tôi là Ukraine đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc tấn công, đưa tới giải pháp đàm phán ở đâu đó dọc chiến tuyến”, Tổng thống Biden nói trong chuyến thăm Helsinki hồi đầu tháng 7.

Khi cả Nga và Ukraine đều không có xu hướng muốn đàm phán hòa bình, Mỹ hiện có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev, hy vọng về một bước đột phá trên chiến trường của Ukraine nhằm chọc thủng phòng tuyến Nga.

Các quan chức Mỹ thừa nhận cuộc phản công đang diễn ra chậm chạp, nhưng nói rằng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả cho đến khi Ukraine triển khai thêm các lữ đoàn chiến đấu, đặc biệt là những lữ đoàn đã được Mỹ huấn luyện tại các căn cứ ở châu Âu.

“Nếu lực lượng dự bị của Ukraine triển khai ra chiến trường không thành công, chúng tôi sẽ phải xác định con đường phía trước”, một quan chức Mỹ cho biết.

Sẽ ra sao nếu Ukraine tiếp tục phản công không như mong đợi?

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Ukraine đã giành lại 50% lãnh thổ do Nga kiểm soát trong xung đột.

Một quan chức cấp cao của châu Âu cho rằng, đẩy lùi lực lượng Nga là một nhiệm vụ khó khăn đối với Ukraine. Nhiều quốc gia phương Tây không mấy kỳ vọng Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi toàn bộ miền Đông hoặc giành lại quyền kiểm soát Bán đảo Crimea.

Một thách thức khác mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt là kho dự trữ vũ khí chủ chốt đang dần cạn kiệt. Gần đây, Mỹ đã tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt các loại đạn thông thường bằng cách cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine.

Mỹ thừa nhận các loại vũ khí này gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với dân thường, nhưng tuyên bố Ukraine đã cam kết sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và tránh xa các khu vực đông dân cư.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen vào tuần trước, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết Mỹ và phương Tây phải tiếp tục cung cấp vũ khí càng nhiều và càng nhanh cho Ukraine.

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Washington cho biết Mỹ có thể phải chấp nhận rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không sớm kết thúc và các đồng minh cần chuẩn bị hỗ trợ cho Kiev trong một cuộc xung đột kéo dài.

Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và các đồng minh có quyết tâm tiếp tục hỗ trợ hay thậm chí mở rộng hỗ trợ nếu cuộc phản công của Ukraine tiếp tục diễn ra không như mong đợi?

Hiện tại, Ukraine mong muốn có được hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) hoặc máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chần chừ cung cấp cho Ukraine hai loại vũ khí trên, giải thích rằng không có thời gian hoặc tiền bạc để huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng và bảo dưỡng máy bay kịp thời nhằm tạo ra sự khác biệt trong cuộc xung đột. Ukraine hiện chỉ sở hữu một lực lượng không quân nhỏ gồm các máy bay và trực thăng do Liên Xô sản xuất.

Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-phan-cong-cham-tre-dat-my-vao-tinh-the-tien-thoai-luong-nan-post1034958.vov