Ukraine mua F-16 'nguy hiểm hơn so với cái nhìn đầu tiên'

Không quân Ukraine nhiều khả năng sẽ có được máy bay chiến đấu đa năng F-16, điều mà Kiev mơ ước trong vài năm qua.

Đề xuất vừa được đưa ra bởi Tập đoàn Lockheed Martin, họ sẵn sàng cung cấp máy bay mới hoặc đã qua sử dụng nhưng được nâng cấp lên tiêu chuẩn tối tân nhất F-16 Block 70/72 Viper.

Lực lượng Không quân Ukraine ngày nay đang ở trong tình trạng khủng hoảng toàn diện. Cần lưu ý, đã có lúc chính người Mỹ đã giúp đẩy nhanh quá trình giải giáp nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này, nước được thừa hưởng lượng vũ khí dự trữ khổng lồ và cơ sở hạ tầng quân sự phát triển.

Với sự hỗ trợ tích cực từ Washington, Kiev đã loại bỏ hàng không tầm xa của chính mình bao gồm các oanh tạc cơ Tu-160 và Tu-22. Hơn 200 phi cơ còn lại trong tổng số 1.100 chiếc trước đó, bao gồm máy bay ném bom tiền tuyến Su-24, tiêm kích hạng nhẹ MiG-29, tiêm kích đánh chặn Su-27 và cường kích Su-25.

Mặc dù vậy, hầu hết các máy bay nói trên đều không hoạt động do bị hao mòn kỹ thuật đáng kể. Các linh kiện để sửa chữa không được cung cấp từ Nga, và Ukraine đơn giản là không có khả năng tự sản xuất thiết bị thay thế.

Không thể nói rằng Kiev chưa nhận thức được điều này. Họ đã hỏi mua máy bay Mỹ từ lâu, không chỉ F-16, mà còn cả F-35 và F-22. Mặc dù mọi người đều hiểu Ukraine nghèo không thể mua máy bay hiện đại và Hoa Kỳ không sẵn sàng "từ thiện".

Tuy nhiên Lockheed Martin vẫn sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon thế hệ thứ tư cho Không quân Ukraine. Nếu chính quyền Ukraine đồng ý đề xuất trên, họ sẽ tự đưa mình vào thế khó.

Ukraine đang tiến gần tới việc sở hữu tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo

Ukraine đang tiến gần tới việc sở hữu tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo

Đầu tiên, máy bay Mỹ dù đã qua sử dụng nhưng vẫn khá đắt. Có thời điểm Washington cố gắng trang bị 8 chiếc F-16 cho Bulgaria với mức giá lên tới 1,26 tỷ USD.

Và đây không phải tất cả sự lãng phí. Máy bay chiến đấu cũ vẫn phải được sửa chữa thường xuyên bằng cách mua phụ tùng từ nhà sản xuất. Một giờ bay của F-16 đắt hơn phi cơ cùng loại của Liên Xô. Ngoài ra tất cả vũ khí đi kèm cũng sẽ phải mua từ Mỹ.

Thứ hai, không thể đơn giản chuyển sang vận hành thiết bị quân sự của nước ngoài. Bạn sẽ phải xây dựng lại tất cả cơ sở hạ tầng, nhà chứa máy bay... cho chúng.

Thứ ba, Kiev còn phải chi rất nhiều cho việc đào tạo phi công và nhân viên bảo trì. Có thể trong vấn đề này, Ukraine sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của Ba Lan, nơi các máy bay F-16 của Mỹ và MiG-29 của Liên Xô cùng tồn tại song song.

Kết quả bị cho là khá đáng ngờ. Warsaw với nền kinh tế năng động có thể đủ khả năng cho những thử nghiệm như vậy, nhưng đối với Kiev, việc chuyển đổi sang máy bay chiến đấu Mỹ có nguy cơ biến thành một "hố đen" tài chính khác.

Ngoài ra có những câu hỏi về việc tái vũ trang như vậy. Mặc dù F-16 Block 70/72 thực sự rất mạnh, nhưng chỉ vài chục chiếc không thể thay đổi cán cân quyền lực trên bầu trời trong cuộc đối đầu giữa Ukraine và Nga, khi Moskva áp đảo về số lượng.

Việc mua sắm F-16 Fighting Falcon không mang nhiều ý nghĩa thực tế. Kiev sẽ một lần nữa chứng minh lòng trung thành của mình đối với Washington, cũng như sự sẵn sàng chuyển các Lực lượng vũ trang của mình theo tiêu chuẩn NATO.

Bản thân khuynh hướng này là nguy hiểm. Vì vậy vào năm 2019, một ấn bản quân sự Ukraine đã viết về việc họ muốn mua trực thăng tấn công AH-64 Apache, tiêm kích F-16 Fighting Falcon và hệ thống chống tên lửa MIM-104 Patriot. Hiện nay các bên bắt đầu đi từ lời nói sang việc làm.

Ngoài ra Kiev đã mua một lô máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 và cũng đồng ý đóng 4 tàu hộ tống lớp Ada tại các nhà máy đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ cho nhu cầu của hải quân nước mình.

Rõ ràng Ukraine đang từng bước xây dựng tiềm lực tấn công và ngày càng biến thành chỗ dựa quân sự chống Nga cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Mặc dù vậy, không ai ở Mỹ quan tâm cái giá mà bản thân Kiev sẽ phải trả vào thời khắc quyết định.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/ukraine-mua-f-16-nguy-hiem-hon-so-voi-cai-nhin-dau-tien-3434140/