Ukraine là nước nhận viện trợ nhiều nhất từ Mỹ sau Thế chiến II

Trong hơn một năm rưỡi xung đột Nga - Ukraine, Mỹ đã viện trợ 66,2 tỷ USD cho Kiev, trong đó bao gồm 43,1 tỷ USD viện trợ quân sự trực tiếp và hơn hàng chục tỷ USD các khoản hỗ trợ ngân sách, tái thiết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Cung điện Mariinsky, Kiev, ngày 20/2. Ảnh: Getty Images

Theo Washington Post, các gói viện trợ mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã khiến Kiev trở thành nước đồng minh nhận được khoản tài chính lớn nhất của Washington kể từ sau Thế chiến II.

Bình luận về tổng viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine, ông Michael O'Hanlon, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings tại Mỹ, cho biết: “Đây là những con số vô cùng cao”.

Ông nói thêm rằng, các con số trên có thể được so sánh với Kế hoạch Marshall – gói viện trợ nước ngoài mà Mỹ từng dành để tái thiết Tây Âu sau khi Thế chiến II kết thúc. Khi được điều chỉnh theo lạm phát, sáng kiến đó đạt khoảng 150 tỷ USD trong 3 năm, tương ứng khoảng 50 tỷ USD/năm.

WP cũng lưu ý rằng mức viện trợ trong năm 2022 và năm 2023 của Washington cho Kiev thậm chí còn vượt xa khoản hỗ trợ tài chính mà nước này dành cho một số đối tác truyền thống gồm Israel (8,6 tỷ USD), Ai Cập (6,2 tỷ USD) và Jordan (6,2 tỷ USD).

Mỹ cho biết sẽ chuyển giao lô xe tăng Abrams đầu tiên cho Ukraine vào mùa thu năm nay. Ảnh: The U.S. National Archives

Theo WP, Mỹ đang là quốc gia đứng đầu thế giới về viện trợ cho Ukraine, tiếp theo là EU (35,9 tỷ USD), Anh (11,7 tỷ USD), Đức (11,6 tỷ USD), Nhật (7,2 tỷ USD), Canada (5,7 tỷ USD), Ba Lan (4,6 tỷ USD),…

Tuy nhiên, tính theo tỷ trọng GDP, Mỹ xếp thứ 12 trong danh sách các quốc gia viện trợ cho Ukraine, khi tiêu tốn khoảng 0,33% GDP. Trong khi đó, Estonia, Latvia và Lithuania là 3 quốc gia hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Ukraine, với tỷ lệ 1,26%, 1,09% và 0,95% GDP.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Lầu Năm Góc có ngân sách hàng năm là 1,77 nghìn tỷ USD. WP nhận xét, khoản viện trợ dành cho Ukraine có thể khá nhỏ khi so sánh với ngân sách quốc phòng của Mỹ.

“Chúng tôi có thể viện trợ vô thời hạn”, ông O’Hanlon nói về khả năng Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng yếu tố chính trị sẽ quyết định các khoản viện trợ này có bền vững hay không, trong bối cảnh Washington đang chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống.

Trong khi đó, Nga coi sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine là một trong những nhân tố chính khiến cuộc xung đột kéo dài, nhưng không thể thay đổi diễn biến kết quả. Các quan chức nước này đã nhiều lần cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng và viện trợ quân sự khác cho Ukraine khiến các thành viên NATO trở thành những bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ukraine-la-nuoc-nhan-vien-tro-nhieu-nhat-tu-my-sau-the-chien-ii-post25343.html