Ukraine hãy coi chừng khi Nga nâng cấp máy bay trinh sát tầm xa A-50U

Trong bối cảnh căng thẳng với Ukraine ngày càng gia tăng, Không quân Nga đã tiếp nhận máy bay giám sát radar tầm xa hiện đại A-50U thứ 7 của nước này.

A-50U là phiên bản hiện đại hóa của A-50 thời Liên Xô, là một máy bay AEW&C ( máy bay Cảnh báo sớm và Kiểm soát trên không). Nó là một trong số các biến thể Il-76 được phát triển vào những năm 1980 và được trang bị hệ thống radar giám sát có thể theo dõi tới 10 mục tiêu trong thời gian thực.

Tập đoàn Vega (một phần của Ruselectronics Holding trong tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec) và Công ty máy bay Beriev (một phần của tập đoàn hàng không và quốc phòng Nga UAC) đã giao chiếc máy bay này cho Không quân Nga.

Hãng Thông tấn Nhà nước Nga Tass đưa tin rằng, máy bay được nâng cấp như một phần của chương trình đổi mới quy mô lớn của Nga cho phi đội giám sát đường không tầm xa. Máy bay có thể phát hiện máy bay kẻ địch đồng thời theo dõi và dẫn đường cho một số lượng lớn máy bay chiến đấu hướng tới mục tiêu.

Rostec nhấn mạnh rằng “radar bay” cải tiến được trang bị công nghệ mới. Theo một tuyên bố, máy bay cảnh báo sớm A-50U đã được nâng cấp với các mạch mới, hiệu suất cao nhanh hơn, giúp nâng cao các chức năng phần mềm.

Một hệ thống thiết bị định vị cũng được lắp đặt trên máy bay. Phạm vi hoạt động của máy bay và thời gian hoàn thành các hoạt động chiến đấu tại biên giới đã tăng lên, do việc nâng cấp đã làm cho máy bay nhẹ hơn. A-50U có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm phát hiện mục tiêu trên không và trên đất liền, theo dõi và xác định đồng đội hoặc kẻ thù.

A-50U là phiên bản nâng cao của máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) A-50. Trong khi nâng cấp máy bay A-50U để tăng cường các thuộc tính chiến đấu và bay của nó, công ty Vega đã cải tiến radar Shmel thông qua việc áp dụng phần mềm và phần cứng tiên tiến.

Shmel-M là một hệ thống theo dõi radar hình vòm xoay, tạo nên cho A-50U vẻ ngoài đặc biệt của nó, mà quân đội Nga gọi là "máy bay nấm". Việc sửa đổi hệ thống AEW&C trên máy bay đã giảm đáng kể trọng lượng tổng thể, cho phép máy bay mang nhiều nhiên liệu hơn và bay được tầm xa hơn.

Đặc điểm hạ cánh và cất cánh của nền tảng, cũng như tính ổn định và khả năng kiểm soát của nó, vẫn không thay đổi. Hơn nữa, máy bay có khả năng theo dõi các mục tiêu trên không ở khoảng cách 650 km và mục tiêu mặt đất ở 300 km. Nó có thể theo dõi đồng thời khoảng 300 mục tiêu mặt đất và 40 mục tiêu trên không.

Không giống như A-50 có hệ thống tương tự, A-50U đi kèm với một hệ thống được số hóa hoàn toàn, giúp sử dụng dễ dàng và nhanh hơn đồng thời giảm thiểu khả năng xảy ra lỗi của con người. Máy bay có một cách bố trí nội thất sửa đổi với một nhà vệ sinh và khu vực nghỉ ngơi.

Một hệ thống tự vệ với các biện pháp đối phó điện tử chủ động và thụ động, cũng như các thiết bị gây nhiễu radar đều được trang bị trên A-50U. Hệ thống tự vệ bảo vệ máy bay chống lại các tên lửa có điều khiển và tầm nhiệt.

Hệ thống định vị vệ tinh của máy bay cho phép A-50U điều hướng với độ chính xác cao trong các hoạt động. Máy bay có thể chứa từ năm đến mười chuyên gia và người điều hành hệ thống AEW&C.

Máy bay A-50U được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt Soloviev D-30KP. Động cơ của máy bay cho phép nó đạt tốc độ tối đa 800 km/h và tầm hoạt động lên tới 9.000 km. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa là 190 tấn và thời gian bay tối đa là 11 giờ.

Không quân Nga đã có cơ hội đánh giá khả năng hoạt động của máy bay khi chiếc A-50 ban đầu được triển khai ở Syria vào năm 2015. Ngoài ra, Nga cũng đã điều máy bay này đi vòng quanh Bán đảo Triều Tiên cùng với máy bay chiến đấu Su-35S và máy bay ném bom Tupolev-95MS trong khi Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung vào năm 2017.

Về thiết kế và chức năng, A-50U giống hệt Boeing E-3 Sentry của Mỹ. A-50I, biến thể xuất khẩu của A-50 ban đầu đã được chuyển giao cho Ấn Độ và được trang bị radar EL/W-2090 Phalcon của Israel.

Đầu những năm 2000, Trung Quốc được đồn là quan tâm đến loại máy bay này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại và Bắc Kinh tiếp tục sử dụng máy bay KJ-2000 AEW&C được sản xuất trong nước. Nguồn ảnh: Foxt.

Quang Hưng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ukraine-hay-coi-chung-khi-nga-nang-cap-may-bay-trinh-sat-tam-xa-a-50u-1651952.html