Ukraine bị đòn đau khi mất một tăng Mỹ và một pháo Thụy Điển

Vừa tham chiến được hai ngày, thời gian chủ yếu là cơ động, nhưng tăng M1A1 của Ukraine đã bị Nga phá hủy; nhưng đòn đau hơn là khẩu pháo tự hành bánh hơi FH77BW Archer cũng chung số phận.

Những diễn biến mấy ngày qua cho thấy, Quân đội Ukraine có thể bị tổn thất đáng kể trên chiến trường, khi có thông tin về chiếc xe tăng M1A1 Abrams đầu tiên, bị quân Nga phá hủy ở mặt trận phía tây Avdiivka. Tuy nhiên thời điểm xảy ra vụ tấn công chưa được xác nhận.

Theo thông tin từ trang Topwar của Nga cho biết, chiến công tiêu diệt chiếc xe tăng M1A1 Abrams đầu tiên của Ukraine, thuộc về Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 15 của Nga, hiện đang chiến đấu ở khu vực làng Berdychi, phía tây bắc thành phố Avdiivka.

Đoạn phim từ chiến trường cho thấy tháp pháo của chiếc xe tăng M1A1 bị bốc cháy ở nhiều chỗ. Có nhiều suy đoán cho rằng, chiếc xe tăng M1A1 trên là nạn nhân của một cuộc tấn công bằng UAV tự sát Lancet, do Lữ đoàn 35 của Nga thực hiện.

Về tình trạng của kíp xe hiện vẫn chưa có thông tin cập nhật nào? Cũng chưa rõ về số phận cuối cùng của chiếc M1A1 này, liệu nó có thể khôi phục khả năng chiến đấu được không? Tuy nhiên, việc đưa nó ra khỏi khu vực chiến sự sẽ là vấn đề khó khăn, khi các con đường đều bị hỏa lực của Nga phong tỏa.

Tuy nhiên việc chiếc tăng M1A1 Abrams của Quân đội Ukraine bị phá hủy cũng không phải là điều quá “bất ngờ”, đó chỉ là vấn đề thời gian, khi nó tham chiến “sớm hay muộn” mà thôi. Nhưng thiệt hại lớn hơn cho Ukraine, chính là khẩu pháo tự hành bánh hơi FH77BW Archer, do Thụy Điển viện trợ cũng bị quân Nga phá hủy.

Nhiều thông tin khác nhau cho biết, một cuộc tấn công bằng UAV tự sát Lancet đã dẫn đến việc phá hủy khẩu pháo thuộc loại “quý hiếm” này của Ukraine. Qua đó cho thấy khả năng săn tìm mục tiêu của loại UAV tự sát lảng vảng khét tiếng này của Nga trên chiến trường Ukraine.

Hiện tại, thời gian và vị trí chính xác về khu vực khẩu pháo FH77BW Archer bị phá hủy vẫn chưa rõ ràng. Có nhiều suy đoán nó bị phá hủy trong khu vực từ Avdiivka đến thành phố Donetsk. Theo nhận xét của một số chuyên gia, việc Ukraine để mất khẩu pháo FH77BW Archer, thiệt hại lớn hơn nhiều so với việc mất chiếc xe tăng M1A1 Abrams.

Lý do cho nhận xét trên do Archer là mẫu pháo tự hành bánh hơi mới, thuộc loại hàng hiếm, có khả năng cơ động vượt trội, tầm bắn “ấn tượng” và thực tế là Thụy Điển chỉ cung cấp một số lượng rất ít loại pháo này, so với 31 chiếc xe tăng Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

M1A1 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba của Mỹ, được đặt theo tên của Tướng Creighton Abrams. Lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu là tại Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và đã đóng một vai trò quan trọng trong Quân đội Mỹ kể từ đó. Đồng thời cũng là vũ khí “bán chạy” của Mỹ.

Tăng M1A1 Abrams có khả năng bảo vệ tốt nhờ lớp giáp tiên tiến và hỏa lực vượt trội, mang lại lợi thế rõ rệt trên chiến trường. Xe được trang bị động cơ tua-bin đa nhiên liệu Honeywell AGT1500, sản sinh công suất 1.500 mã lực, giúp xe tăng đạt tốc độ tối đa lên tới 80km/h trên đường cao tốc và 50km/h trên đường địa hình.

Phạm vi hoạt động của M1A1 Abrams rất ấn tượng. Với lượng nhiên liệu đầy đủ là 1.900 lít, xe có thể di chuyển quãng đường lên tới 400km trên đường bộ và 250 km đường địa hình, trước khi cần tiếp nhiên liệu. Tầm hoạt động có thể được mở rộng hơn nữa, nếu sử dụng thùng nhiên liệu bên ngoài.

Xe tăng M1A1 Abrams được trang bị pháo nòng trơn 120mm, có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau như đạn nổ phá chống bộ binh M830 HEAT và đạn xuyên giáp thoát vỏ M829A1 APFSDS-T, còn được gọi là “viên đạn bạc”, rất hiệu quả khi dùng chống lại xe bọc thép của đối phương.

Lớp giáp của M1A1 Abrams là một trong những bí mật quân sự của Mỹ, khi sử dụng lớp giáp tổng hợp, trong đó có một lớp uranium nghèo để tăng cường khả năng bảo vệ (nhưng chỉ trang bị cho xe tăng của Quân đội Mỹ). Giáp xe thiết kế dạng mô-đun, giúp những phần bị hỏng có thể được thay thế nhanh.

Còn FH77BW Archer là loại pháo tự hành bánh hơi hiện đại, được phát triển bởi công ty quốc phòng BAE Systems Bofors cho Quân đội Thụy Điển. Loại pháo này có khả năng cơ động cao, nhờ sử dụng thiết kế bánh hơi.

Theo thông tin từ nhà sản xuất BAE Systems Bofors, pháo tự hành FH77BW không chỉ có khả năng cơ động tốt, mà còn có độ chính xác cao, tốc độ bắn nhanh. FH77BW được đánh giá là một trong những loại pháo hiện đại hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Pháo FH77BW sử dụng khung gầm xe kéo mọi địa hình có khớp nối Volvo A30D 6×6 (đã được sửa đổi), đảm bảo cho xe khả năng di chuyển vượt trội. Xe sử dụng động cơ diesel Volvo D12, có công suất 520 mã lực, cho phép Archer đạt tốc độ tối đa 70 km/h trên đường trường và 50 km/h trên đường địa hình.

Về khả năng hỏa lực của pháo Archer thực sự ấn tượng, khi pháo có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới 50 km bằng đạn pháo tăng tầm thông thường và tới 60 km bằng đạn dẫn đường chính xác Excalibur. Tầm bắn tối đa bằng đạn thường là 35 km.

FH77BW có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, như đạn nổ phá, đạn khói, đạn chiếu sáng, đạn chùm và đạn dẫn đường chính xác. Một trong những điểm đáng chú ý nhất là bắn đạn M982 Excalibur của Mỹ, đây là loại đạn dẫn đường bằng GPS, có thể bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao, ngay cả ở tầm bắn tối đa.

Pháo Archer cũng tự hào có tốc độ bắn cao, khi tốc độ bắn tới 8-9 viên đạn/ phút ở chế độ bắn MRSI. Chế độ bắn MRSI là nhiều viên đạn pháo được bắn vào một mục tiêu một lúc, nhưng ở các góc bắn khác nhau với các liều phóng khác nhau, tạo ra hiệu ứng tiêu diệt mục tiêu lớn hơn.

Một tính năng quan trọng khác của pháo tự hành Archer là mức độ tự động hóa cao, khi kịp pháo thủ chỉ cần 2-3 người và tất cả quá trình nạp đạn và bắn đều được tự động hóa. Điều này không chỉ làm giảm rủi ro cho khẩu đội, mà còn giúp triển khai và thu pháo nhanh chóng, không cho đối phương cơ hội phản pháo.

Tiến Minh (Theo Bulgarian Military)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ukraine-bi-don-dau-khi-mat-mot-tang-my-va-mot-phao-thuy-dien-1961598.html