UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6

Ngày 17/6, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6 (lần 1). Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại phiên họp lần này, UBND tỉnh xem xét, thông qua 10 tờ trình quan trọng, trong đó: 6 nội dung tờ trình được xem xét, thảo luận, thông qua tại phiên họp và 4 nội dung khác gửi phiếu xin ý kiến các thành viên UBND tỉnh.

Phiên họp dành nhiều thời gian tham gia ý kiến về tờ trình ban hành Quyết định thông qua chính sách đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục đích mức hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg là tạo cơ sở pháp lý cho các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, mục tiêu của dự án theo định mức quy định, góp phần hoàn thiện khung cơ chế chính sách phục vụ hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch trung hạn và hàng năm, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thực hiện bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với mức hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thực hiện bố trí, ổn định dân cư quy định 2 mức: 50 triệu đồng/hộ và 15 triệu đồng/hộ, tùy vào nội dung chính sách hỗ trợ khác nhau. Mức hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi tiếp nhận người dân tái định cư tập trung, xen ghép là 60 triệu đồng/hộ. Về mức hỗ trợ kinh phí quản lý để thực hiện Chương trình ở các cấp, trong đó cấp tỉnh 550.000 đồng/hộ được bố trí, ổn định dân cư; cấp huyện 400.000 đồng/hộ; cấp xã 200.000 đồng/hộ.

Đa số đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo nghị quyết đã bám vào Quyết định số 590/QĐ-TTg và sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần rà soát lại các chính sách đề xuất tại nghị quyết, xây dựng chính sách phải đảm bảo được sự khuyến khích các hộ dân. Về đối tượng áp dụng, có đối tượng buộc phải di chuyển, nhưng còn đối tượng tự nguyện đến vùng biên giới, phải có chính sách nhằm góp phần bảo vệ biên giới... Một số đại biểu đề nghị nâng mức kinh phí hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển, phải bố trí ổn định tại chỗ, mức hỗ trợ là 25 triêụđồng/hộ để nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng chống thiên tai khác; vấn đề mở rộng đối tượng hỗ trợ dân di cư khi di cư quay về. Tại Quyết định số 590/QĐ-TTg, ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ có quy định rất nhiều nội dung hỗ trợ ở mục 2, 3, 4 như: khai hoang, phát triển kinh tế tập thể, phát triển ngành nghề nông thôn, mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Tuy nhiên, tại dự thảo mới chỉ quy định mức hỗ trợ di chuyển, ổn định tại chỗ và kinh phí quản lý thực hiện kiểm tra, giám sát. Đề nghị đơn vị chủ trì tham mưu xem xét, bổ sung đảm bảo đầy đủ các nội dung hỗ trợ quy định. Cần nghiên cứu thêm mức hỗ trợ những vùng có nguy cơ sạt lở đất cao nhưng không có quỹ đất; khuyến khích việc hỗ trợ cộng đồng dân cư ở nơi ở thực tế nhằm sát với thực tế tại địa phương... Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan soạn thảo) đánh giá lại các chính sách đã triển khai theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, và có báo cáo cụ thể. Liên quan đến khung chính sách, Chủ tịch UBNN tỉnh đồng tình với 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thực hiện bố trí, ổn định dân cư; hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi tiếp nhận người dân tái định cư tập trung, xen ghép và hỗ trợ kinh phí quản lý để thực hiện chương trình ở các cấp. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, xem xét, hỗ trợ thêm nhóm có nguy cơ nhưng tự nguyện di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ; vùng biên giới mà tự nguyện di cư ra khu vực biên giới cần nghiên cứu mức hợp lý, nhưng cao hơn mức hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng bố trí, ổn định dân cư phải di chuyển đến nơi ở mới...

Phiên họp cơ bản nhất trí tờ trình ban hành Nghị quyết quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; Tờ trình ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2023 - 2030; Tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Điện Biên) giai đoạn năm 2023 - 2025”.

Đối với kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Điện Biên 6 tháng cuối năm 2023 nhằm đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra tại Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh, từ đó điều chỉnh kịch bản các quý còn lại cho phù hợp với với thực tế nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 10% trở lên. Đồng thời, nhận định tình hình, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tốc độ tăng trưởng không đạt theo kịch bản đầu năm, dự báo những thuận lợi, khó khăn và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm của từng ngành, từng địa phương trên các lĩnh vực...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,06% so với cùng kỳ năm trước, đạt khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, xếp hạng thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, thứ 17/63 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đã đề ra, vẫn còn thấp hơn so với kịch bản ban đầu 3,39 điểm % do chỉ có 8 ngành đạt, vượt mức tăng trưởng theo Kế hoạch đầu năm; 13 ngành chưa đạt mục tiêu.

Trên cơ sở những kết quả kinh tế - xã hội nổi bật mà tỉnh đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng... Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, được xây dựng dựa trên kịch bản tăng trưởng ban đầu theo hai nguyên tắc: Giữ nguyên tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng và giảm tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ so với kịch bản đầu năm để phù hợp với tình hình thực hiện các quý còn lại năm 2023. Mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh cả năm (theo giá so sánh năm 2010) được giữ như kịch bản đầu năm đã xác định, dự kiến đạt khoảng 10,02%. Để đạt được mục tiêu đó thì tăng trưởng kinh tế các quý III, IV lần lượt phải đạt khoảng 11,44% đến 13,32%...

Tham gia ý kiến vào kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng cuối năm đa số đại biểu nhất trí với dự thảo kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Điện Biên 6 tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhật lại số liệu chính xác hơn; đánh giá sâu và rõ hơn từng nhóm chỉ tiêu. Tại kịch bản quý 3, dự kiến tăng 11,17% so với cùng kỳ, đây cũng dự kiến là thời điểm cần tập trung đón khách du lịch quốc tế, nội địa; tổ chức các hoạt động kích cầu, khai thác các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch nội địa chưa phù hợp, vì hiện tại tỉnh đang ngừng hoạt động hàng không để nâng cấp dự án Cảng hàng không Điện Biên. Do đó, dự kiến tăng trưởng kinh tế như vậy đã phù hợp chưa?

Kết luận nội dung này, đồng chí Lê Thành Đô đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến tham gia của đại biểu, xem xét, đánh giá lại nguyên nhân của từng chỉ tiêu. Đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, giữ nguyên tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10,02%. Tuy nhiên, có điều chỉnh tốc độ tăng trưởng giữa các ngành, lĩnh vực. Riêng lĩnh vực nông lâm thủy sản phấn đấu đưa tốc độ tăng nhanh hơn và đạt 4,5% cuối năm 2023. Bên cạnh đó, cần nhận diện đánh giá cụ thể hơn đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế, trong đó đánh giá lại vấn đề TTHC, công tác phối kết hợp giữa các ngành, đơn vị trong giải quyết các vấn đề đầu tư. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp như kịch bản tốc độ tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đề ra. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh 6 tháng cuối năm 2023 để trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành.

Đại biểu cũng thảo luận, cơ bản thống nhất nội dung: Tờ trình ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên ban hành kèm theo Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của UBND; Tờ trình ban hành Quyết định Quy định hạn mức giao đất ở, định mức đất sản xuất cho hộ gia đình để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất ở, đất sản xuất; Tờ trình ban hành Quyết định Quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Tin, ảnh: Thành Đạt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/206684/ubnd-tinh-hop-phien-thuong-ky-thang-6-