UAV Orion của Nga biến mất trên chiến trường Ukraine, đâu là lý do?

Giống như UAV TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ có trong biên chế Quân đội Ukraine, thì UAV tầm trung Orion của Nga cũng biến mất trên chiến trường Ukraine sau một thời gian ngắn tham chiến. Vậy đâu là lý do?

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, loại UAV tầm trung nội địa Orion, do Công ty Kronstadt phát triển, như một phản ứng của Nga đối với UAV Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi khi đó UAV Bayraktar TB-2 được Ukraine kỳ vọng là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”.

Nhưng cũng giống như UAV TB-2 của Ukraine, UAV Orion đã nhanh chóng “mất hút” trên chiến trường. Điều này đã thu hút sự chú ý của nhà báo quân sự người Nga Alexander Rogatkin, người đã quyết định nghiên cứu vấn đề này trên kênh Telegram “Rogatkin Live” của mình.

Chuyên gia Rogatkin lưu ý rằng, UAV Orion đã hoạt động trong các hoạt động thử nghiệm khác nhau. Một nhà máy mới thậm chí còn được xây dựng ở Moscow để sản xuất hàng loạt UAV Orion-Pacer; nhưng chiếc UAV này vẫn chưa thể xuất hiện thường xuyên ở chiến trường Ukraine.

Trước hết những chiếc UAV Orion bị “lu mờ” bởi loại UAV tự sát giá rẻ Lancet và những chiếc UAV FPV thô sơ, vốn đã phá hủy một đống vũ khí của Ukraine; đến mức một số xe tăng và xe tải bị UAV Orion bắn hạ ở Mariupol không tạo ra sự khác biệt.

Nhìn chung, điều tương tự xảy ra với UAV Orion cũng như với UAV TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ mà Ukraine sử dụng. Trong cuộc chiến tổng lực này, không có chỗ đứng cho các loại UAV tầm trung.

Với những hệ thống phòng không rất mạnh của cả hai bên, những chiếc UAV tầm trung dùng cho cả nhiệm vụ trinh sát-tấn công như TB2 hay Orion hoặc nhiều loại UAV khác, nếu đưa vào tham chiến ở chiến trường Ukraine, chúng sẽ nhanh chóng bị bắn hạ.

Như nhiều chiến lược gia Ukraine thừa nhận, phòng không Nga đã bắn hạ gần như toàn bộ UAV Bayraktar TB2 trong những tháng đầu tiên trên chiến trường Ukraine và nó đã hoàn toàn vắng bóng trên chiến trường gần 2 năm nay.

Chuyên gia Rogatkin chỉ ra rằng, người ta biết rất ít về tổn thất của UAV Orion trên chiến trường Ukraine. Lần duy nhất, mảnh vỡ của một UAV Orion được phát hiện là vào tháng 4/2022 gần Kherson đã được chứng minh.

Lý do UAV Orion ít xuất hiện trên chiến trường Ukraine có thể do số lượng loại UAV này của Nga không nhiều. Bên cạnh đó UAV này cũng không quá nổi bật về khả năng trinh sát so với UAV chiến thuật được Nga sử dụng nhiều như Oral-10, trong khi giá thành đắt hơn vài chục lần.

Mặc dù hiệu quả chiến đấu thấp, nhưng việc xây dựng doanh nghiệp sản xuất UAV Bayraktars TB2 vẫn không dừng lại ở Ukraine. Quân đội Ukraine thậm chí còn sử dụng TB2 dưới dạng UAV tự sát, gần đây đã sử dụng chúng tấn công một nhà máy lọc dầu ở Tatarstan.

Đổi lại, Nga cũng không từ bỏ việc sản xuất UAV Orion, nhưng khó có thể sử dụng chúng dưới dạng UAV tự sát, vì Quân đội Nga có nhiều tên lửa hành trình Kaliber và Iskander hay Geran-2, Geran-3 cho mục đích này.

Những loại UAV tầm trung như thế có thể hoạt động như một trung tâm chuyển tiếp vô tuyến hay một thiết bị gây nhiễu, hoặc lý tưởng nhất sử dụng chúng làm thiết bị giám sát dọc theo khu vực giới tuyến, trong trường hợp quân Nga đột phá mạnh ở chiến trường.

Nhìn chung, UAV Orion vẫn chưa “nói lời cuối cùng” và còn quá sớm để xóa bỏ chúng. Chuyên gia Alexander Rogatkin cho rằng, nếu Nga có thể chế áp hoàn toàn phòng không Ukraine, thì UAV Orion sẽ sử dụng làm UAV trinh sát - tiến công, giống như trường hợp ở Mariupol.

Orion là UAV đầu tiên của Nga có cấu hình trinh sát - tấn công, được giới thiệu ở nước ngoài lần đầu tại Triển lãm vũ khí quốc tế (IDEX-2021) ở Abu Dhabi, với một mô hình kích thước đầy đủ. Nhà phát triển và nhà sản xuất là Công ty Kronstadt của Nga.

UAV Orion được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết. Trọng lượng cất cánh tối đa của Orion là 1.150 kg, trọng tải mang theo tối đa là 250 kg. Thời gian bay có thể đạt tới 30 giờ và tốc độ là 200 km/h.

UAV Orion có thể mang nhiều loại trang thiết bị khác nhau, bao gồm các hệ thống cảm biến cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Ngoài ra theo giới thiệu, UAV Orion có thể sử dụng nhiều loại vũ khí hàng không dẫn đường khác nhau.

Vũ khí chính của phiên bản UAV chiến đấu Orion gồm 4 tên lửa chống tăng Vikhr-1V. Loại tên lửa này có tầm bắn từ 10-12km; tốc độ bay cao nhất đạt Mach 1,8, tức 600 m/s; được trang bị đầu đạn nổ nối tiếp (Tandem) để đối phó với giáp phản ứng nổ (ERA).

UAV Orion được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh (SATCOM), giúp điều khiển UAV ở khoảng cách không giới hạn so với trạm điều khiển mặt đất. Thiết kế của Orion có kiến trúc mở, giúp đơn giản hóa việc tích hợp tải trọng và vũ khí cũng như đáp ứng các yêu cầu khác của người sử dụng. (Ảnh: TASS, RIA Novosti, Topwar, CNN).

UAV Orion của Nga trong thực hiện một nhiệm vụ ban đêm ở chiến trường Ukraine. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.

Tiến Minh (Theo Topwar)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/uav-orion-cua-nga-bien-mat-tren-chien-truong-ukraine-dau-la-ly-do-1977558.html